Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở đô thị và địa bàn có khu công nghiệp

Ngày 10-4, tại TPHCM, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo tham vấn giải pháp xây dựng Đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2045.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT) Hoàng Thị Dinh, tính đến tháng 7-2024, cả nước có 431 khu công nghiệp (KCN) được thành lập ở 59/63 tỉnh, thành phố, tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp. Cả nước có 13.137 trường mầm non (gồm 3.612 trường công lập, 1.770 trường ngoài công lập và 7.755 cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục trên địa bàn có KCN).

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, công tác quy hoạch và phát triển cơ sở giáo dục mầm non chưa phù hợp với nhu cầu của công nhân, người lao động. Trong đó, trường mầm non công lập mới đạt tỷ lệ 67,1% tổng số cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn có KCN, hoạt động chưa phù hợp với đặc thù giờ làm việc của công nhân. Một số trường quy hoạch ở khu vực xa nơi ở của công nhân, không thuận tiện đưa đón trẻ.

Nhìn chung, hệ thống trường mầm non còn hạn chế về năng lực tiếp nhận trẻ ở độ tuổi nhà trẻ (dưới 36 tháng tuổi), trong khi phần lớn công nhân là lao động nhập cư, có nhu cầu gửi trẻ từ 12 đến dưới 24 tháng tuổi.

Từ thực tế trên, Bộ GD-ĐT xây dựng Đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, KCN. Đề án được triển khai tại các đô thị loại đặc biệt, loại I, II, III và địa bàn có KCN.

Mục tiêu của đề án là đến năm 2030, 100% trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non tại đô thị, KCN được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, đáp ứng yêu cầu theo chương trình giáo dục mầm non; 100% trẻ em từ 3-36 tháng tuổi là con công nhân, người lao động ở địa bàn có KCN được tiếp cận dịch vụ giáo dục mầm non bảo đảm chất lượng.

Bên cạnh đó, các địa phương phấn đấu 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục mầm non ở đô thị, KCN được tiếp cận tài liệu và thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; phấn đấu tăng thêm từ 20% trở lên cơ sở giáo dục mầm non tại đô thị, KCN có tổ chức nhóm trẻ dưới 24 tháng tuổi, trong đó ít nhất tăng 10% trường mầm non công lập tại nơi có KCN.

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Thụy Mỵ Châu, phần lớn các cơ sở giáo dục mầm non độc lập hiện nay khó khăn về nhân sự, dẫn đến hạn chế trong việc tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn. Do đó, yêu cầu 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn KCN được tiếp cận tài liệu và bồi dưỡng thường xuyên chuyên môn nghiệp vụ rất khó thực hiện.

Bên cạnh đó, để tổ chức nhận giữ trẻ dưới 24 tháng tuổi, cơ sở giáo dục mầm non phải đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhu cầu của cha mẹ trẻ. Trong 10 năm qua, TPHCM đã triển khai giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi, nhưng mới có 241 cơ sở giáo dục mầm non thực hiện.

Tin cùng chuyên mục