Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức

Bộ Nội vụ vừa đưa ra lấy ý kiến nhân dân Dự thảo nghị định về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức (CBCC). Quy định của nghị định này nhằm thể chế hóa việc thực hiện Luật CBCC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2010. Theo đó, có hai trường hợp công chức được hưởng chế độ thôi việc gồm: có đơn tự nguyện xin thôi việc và được chấp nhận, bị cho thôi việc do 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ. Quy định này tạo điều kiện cho một bộ phận công chức muốn “rút lui” vì không còn phát huy năng lực, sở trường trong bộ máy chính quyền. Dù bất kể lý do nào, thì đây không phải là một hình thức kỷ luật để loại bỏ công chức ra khỏi bộ máy.
 
Theo ước tính, đội ngũ CBCC trong bộ máy hiện có hơn 20% nằm trong diện “chờ giảm biên chế” vì các lý do: trình độ năng lực kém, tuổi cao, sức khỏe yếu, bố trí không phù hợp với trình độ năng lực… Trong đó, có không ít trường hợp về hưu thì chưa đến tuổi, bố trí sử dụng thì không đáp ứng được và giảm biên chế thì “không biết giảm ai”. Chính bộ phận này đang là lực cản, là sức ỳ trước yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trong bộ máy chính quyền.

Để bộ máy “chạy” đều và không làm tăng biên chế, từ nhiều năm qua chúng ta có quy định trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, trong bộ máy chính quyền các cấp… được phép hợp đồng ngoài biên chế đối với một số trường hợp khi tuyển dụng. Như vậy, trong bộ máy cơ quan Nhà nước hiện vừa có người trong biên chế (CBCC), vừa có người ngoài biên chế (hợp đồng lao động).

Thực tế này dẫn đến tình trạng “người ở ngoài nhìn người ở trong”, nhân viên hợp đồng giỏi việc hơn công chức… Sự “phân biệt” này đã tạo ra khoảng cách giữa nhu cầu và thực tế, giữa trình độ năng lực với yêu cầu nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ CBCC trong bộ máy.

Như vậy, khi áp dụng hình thức “cho thôi việc” đối với công chức không hoàn thành nhiệm vụ và công chức tự nguyện xin thôi việc, sẽ tạo điều kiện cho cả hai phía: công chức lẫn bộ máy. Về phía công chức, sẽ tạo điều kiện để họ tìm một việc làm khác phù hợp hơn, hoặc “hưu non” nhưng vẫn bảo đảm được các quyền lợi, thay vì cứ “nằm” trong bộ máy đợi đến đúng tuổi hưu.

Còn phía bộ máy, đây sẽ là dịp để công tác sắp xếp, bố trí gắn với tuyển chọn công chức phù hợp hơn, sát hơn với yêu cầu thực tế là cần phải nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Mặt khác, đây còn là cơ hội và môi trường để người tài có cơ hội được làm việc trong bộ máy chính quyền, được tham gia phát huy tài năng, trí tuệ của mình phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục