Theo bà Trần Thị Kim Thanh, Phó trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - Chuyên nghiệp và đại học (Sở GD-ĐT TPHCM), hoạt động dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn thành phố thời gian qua hết sức sôi động, đáp ứng mục tiêu nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho học sinh. Tuy nhiên, trong 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều trung tâm ngoại ngữ, tin học đã không trụ vững, giải thể hoặc chuyển nhượng, gây xáo trộn việc học của người dân. Cụ thể, năm học 2017-2018, toàn thành phố có 1.079 trung tâm ngoại ngữ, tin học; đến năm 2020-2021, con số này là 1.023 trung tâm. Đầu năm học 2022-2023, toàn thành phố có 1.043 trung tâm. Về số lượng học viên, năm học 2017-2018 có 480.483 học viên. Cuối năm học 2021-2022, học viên chỉ còn 129.801 người.
Để tận dụng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy ngoại ngữ và tin học, các đơn vị đã đẩy mạnh liên kết đào tạo với các trường phổ thông chính quy, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy ngoại ngữ và tin học cho học sinh phổ thông. Tính đến cuối năm học 2021-2022, bậc mầm non dẫn đầu số lượng trường thực hiện liên kết đào tạo - với 807 trường, kế đến là tiểu học - với 152 trường…
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, toàn thành phố hiện có 7 quận, huyện đảm bảo tỷ lệ 100% học sinh tiểu học được học ngoại ngữ. Bên cạnh đó, 12 địa phương khác đạt tỷ lệ hơn 95% học sinh tiểu học được học ngoại ngữ. Đối với bộ môn Tin học, hiện nay tất cả 21 quận, huyện và TP Thủ Đức đều tổ chức dạy Tin học theo chuẩn quốc tế cho các trường tiểu học, THCS; riêng cấp THPT có 81 trường THPT và trường phổ thông nhiều cấp học xây dựng kế hoạch dạy Tin học theo chuẩn quốc tế. Đến cuối năm học 2021-2022, toàn thành phố có hơn 17.000 học sinh có chứng chỉ Tin học quốc tế. Đây là một trong những tín hiệu tích cực, thể hiện sự quan tâm đầu tư của các đơn vị trường học, hướng đến mục tiêu dạy học phát triển năng lực và phẩm chất cho người học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Tuy nhiên, để các đề án nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học cho học sinh thành phố sớm về đích và đạt hiệu quả cao, chỉ nỗ lực của các trường phổ thông thì chưa đủ. Thay vào đó, cần có thêm sự chung tay của cha mẹ học sinh và các nguồn lực khác trong xã hội nhằm phát huy tối đa nguồn lực giáo viên, cơ sở vật chất, tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu như hiện nay.