Sầu riêng là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Đồng Nai với diện tích khoảng 11.400ha (sản lượng khoảng 70.000 tấn), đứng đầu khu vực Đông Nam bộ và thứ tư cả nước (sau Đắk Lắk, Lâm Đồng, Tiền Giang), các giống sầu riêng trồng chủ yếu là Ri6, Dona. Hiện, người dân nhận thấy thị trường xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc rất tiềm năng nên đang xin cấp mã số vùng trồng. Tính đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai được cấp 44 mã số vùng trồng với tổng diện tích 1.900ha; đã nộp hồ sơ chờ phía Hải quan Trung Quốc cấp, phê duyệt cho 28 mã vùng trồng khác với tổng diện tích khoảng 735ha.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc HTX Thương mại - Dịch vụ sầu riêng xã Xuân Tâm (có 29 nông hộ trồng sầu riêng Dona với diện tích 78ha theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Xuân Lộc) cho biết, thường phải mất 4-5 năm vun trồng, chăm sóc, cây sầu riêng mới bắt đầu cho thu hoạch. Để trái sầu riêng chất lượng, HTX đang tăng cường sử dụng phân hữu cơ, tổ chức lại sản xuất, áp dụng tưới nước tiết kiệm; ứng dụng chuyển đổi số theo dõi vườn sầu riêng; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ. Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, khẳng định, để nâng cao giá trị sản phẩm, ngành nông nghiệp đang mở rộng mã số vùng trồng và nâng chất lượng các mã số vùng trồng được cấp. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả của từng chủ thể, tuân thủ đúng, duy trì đầy đủ các quy định, áp dụng công nghệ canh tác tiên tiến, an toàn, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Trong khi đó, tỉnh Bình Phước hiện có 4.802ha sầu riêng và diện tích đang có xu hướng tăng lên. Ông Lưu Lý Hoàng, Giám đốc quản lý đầu vào Công ty TNHH Minh Hàng (huyện Bù Đăng, một trong những doanh nghiệp đầu tiên được cấp mã vùng trồng sầu riêng) cho rằng các doanh nghiệp cần quản lý tốt vườn trồng đúng quy chuẩn, sử dụng phân bón đúng quy định, tuân thủ nghiêm ngặt những loại thuốc không được sử dụng cho cây sầu riêng để đảm bảo sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn của đối tác, hướng tới xây dựng thị trường xuất khẩu lâu dài, bền vững. Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, việc xuất khẩu sầu riêng theo đường chính ngạch sang Trung Quốc mở ra cơ hội để nâng cao hiệu quả và nâng tầm giá trị sầu riêng của tỉnh. Các nội dung của nghị định thư (được ký vào tháng 9-2022), thực chất là các yêu cầu kỹ thuật buộc bên sản xuất, đóng gói, xuất khẩu phải tuân thủ nghiêm ngặt; trong khi đó, một số nông hộ, HTX mạnh ai nấy làm, dẫn đến sản phẩm không đồng nhất, khó tiếp cận thị trường khó tính.