Ở đây, văn hóa tinh thần phải chăng là sự lắng động trong cảnh quan kiến trúc của một đô thị đã từng được rạng danh là Hòn ngọc Viễn Đông. Thành phố sông nước này đã từng thông qua cảng của mình đưa ra thế giới gạo, nông sản của cả Đồng bằng sông Cửu Long. Một khi không còn cảng Sài Gòn nữa thì e rằng sẽ không còn là bản sắc căn cơ của đô thị lớn này.
Vì vậy trên lĩnh vực đô thị bao giờ cũng phải coi trọng cấu trúc này trong quy hoạch phát triển hướng tới sự bền vững. Cho dù TPHCM đã có cảng Hiệp Phước hay Cát Lái đi nữa nhưng chúng cũng không thay thế được cho cảng Sài Gòn đã từng vang danh khắp vùng Đông Nam Á và hơn nữa là cả với thế giới. Tân cảng đã biến mất một cách lặng lẽ nhưng với cảng Sài Gòn thì sự mai một sẽ mất đi một di sản đô thị tầm cỡ. Do vậy thiết nghĩ là cả khu vưc hội tụ cội nguồn của TPHCM cần được xem là điểm bảo tồn vào loại bậc nhất để tôn vinh bản sắc văn hóa đô thị của chúng ta. Có thể nói không nơi nào có thể khởi đầu con đường di sản bằng nơi đây với cầu Mống, rạch Bến Nghé, cột cờ Thủ Ngữ - Nhà Rồng - cảng Sài Gòn và xa hơn hướng về phía công viên bờ sông Nam Thủ Thiêm kề cận với lâm viên Cần Giờ để hình thành không gian văn hóa đặc trưng. Văn hóa di sản hay văn hóa bảo tồn đã trở thành thời thượng của văn hóa thế giới ngày nay.
Về không gian văn hóa cộng đồng lớn của thành phố, trong tương lai chúng ta hướng vào công viên khoa học của thành phố Thủ Đức. Bởi vì nơi đây sẽ là “bộ não” của TPHCM trong nay mai. Ước vọng nơi này sẽ là “thung lũng Silicon” chứa đựng dung lượng khoa học to lớn thúc đẩy sự phát triển của thành phố, văn hóa phải sớm đặt chân vào đây để cùng với kinh tế - xã hội thúc đẩy con tàu đô thị này hướng tới tương lai phát triển mới. Thể hiện một công viên khoa học ở tầm cỡ thế giới cho thành phố Thủ Đức quả là một thách thức không nhỏ nhưng không thể không làm để sớm ghi nhận một bản sắc văn hóa phát triển một cách khoa học và căn cơ. Thiết nghĩ không gian văn hóa này phải hơn những nơi đã có như phố đi bộ Nguyễn Huệ hay hồ bán nguyệt Nam Sài Gòn. Nơi hội tụ của văn hóa và khoa học kĩ thuật của thời đại 4.0 ắt hẳn phải vượt trội và hơn thế nữa để hướng tới tương lai rạng rỡ hơn. Tôi tin tưởng rằng khoa học quy hoạch ngày nay đủ bản lĩnh để đương đầu với thử thách này. Đây là một đòi hỏi hết sức thích đáng của thời đại và lịch sử, hi vọng thành phố của chúng ta sẽ đạt được trong sự nổ lực tối đa của mình. Đây vừa là trách nhiệm vừa là niềm tin của 10 triệu dân thành phố năng động và sáng tạo không ngừng. Tôi vững tin vào đội ngũ làm quy hoạch tổng mặt bằng thành phố với tầm nhìn xa và rộng của thế kỉ 21 này.
Với vai trò là trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long thì TPHCM cũng cần mang bản sắc văn hóa, không gian văn hóa xứng đáng với văn hóa lúa nước hay văn hóa Óc Eo theo ngôn từ chuyên môn của giới văn hóa - lịch sử. Xác lập không gian văn hóa này trong quy hoạch tổng mặt bằng thành phố có lẽ không có khu vực nào hơn là bán đảo Thanh Đa với một khúc sông Sài Gòn bao quanh. Không gian văn hóa đất Phương Nam phải chăng là sự lựa chọn đúng và trúng cho TPHCM trong giai đoạn phát triển mới nhắm tới mục tiêu phát triển văn hóa theo chiều sâu, nâng tầm bản sắc cho đô thị này. Một quả tim xanh giữa lòng thành phố thì còn gì đáng quý hơn, “ngọc trong đá” mà!
Tóm lại với bài viết này tác giả muốn góp một góc nhìn giới hạn bởi không gian vào trong quy hoạch tổng mặt bằng thành phố. Ba mảng trong đó: một là hướng theo bản sắc cội nguồn, hai là hướng theo khoa học của thời đại, ba là dấu ấn của vùng miền. Theo dòng suy nghĩ này, tác giả mong muốn thành phố chúng ta sẽ mang được phần hồn cốt của một đô thị trẻ mang nhiều tính nhân văn cùng tình người sâu đậm.
TS.KTS. LÊ QUANG NINH
(nguyên Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc TPHCM)