Nâng bước học sinh nghèo đến trường

Để giúp các em học sinh nghèo, nhất là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện học tập tốt hơn, nhiều giáo viên đã góp tiền chữa bệnh, xây dựng góc học tập, mua bảo hiểm y tế, xe đạp, thậm chí chia sẻ bữa ăn trưa với học sinh.

Nâng bước học sinh nghèo đến trường

Nhận đỡ đầu học sinh khó khăn

Trường THCS Nguyễn Du (xã Diên Bình, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) có 19 lớp học với 645 học sinh. Trong đó, có 314 học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhiều em phải đi bộ đến trường, trong khi sách vở, đồ dùng học tập còn thiếu thốn. Thấy nhiều em học sinh nơi đây vất vả, giáo viên nơi đây vô cùng thương xót, tự dặn lòng cần có nhiều hoạt động để chăm lo, bù đắp cho các em. Vì thế, 6 năm qua, hưởng ứng phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các giáo viên đã mạnh dạn triển khai nhiều chương trình, điển hình là mô hình nhận đỡ đầu để chăm sóc học sinh khó khăn là đồng bào dân tộc thiểu số. Cứ mỗi năm học, giáo viên chủ động nắm bắt hoàn cảnh của những em khó khăn nhất, sau đó đăng ký nhận đỡ đầu từ 1 đến 3 em. Với điều kiện khác nhau, các thầy cô đã có những cách “tiếp sức” khác nhau, nhưng tựu trung tất cả cùng hướng đến mục tiêu không để học sinh nghèo bị bỏ lại phía sau.

O4c.jpg
Các giáo viên Trường THCS Nguyễn Du góp tiền mua thẻ bảo hiểm y tế tặng các em học sinh hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: THANH HẢI

Những ngày này, chúng tôi đặt chân đến Trường THCS Nguyễn Du và chứng kiến ngôi trường rợp bóng cây. Những cơn gió thổi lùa tạo cảm giác mát lành, xua tan cái nóng chớm hè. Tại lớp 9C, hàng chục học sinh đang say sưa học tập. Ấn tượng ập vào mắt chúng tôi là hình ảnh cô học trò nhỏ Y Như đang cặm cụi viết bài. Thỉnh thoảng, cô chủ nhiệm Phạm Thị Thu Thảo ân cần đến hướng dẫn Y Như làm bài tập.

Theo cô Thu Thảo, Y Như có hoàn cảnh rất đáng thương. Bố mất sớm, Y Như và em sống với mẹ, cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Đầu năm nay, Y Như bị rụng tóc, hói một phần đầu. Lo sợ em bị bệnh, cô đã báo cáo ban giám hiệu nhà trường để có hướng hỗ trợ. Các giáo viên trường đóng góp được gần 10 triệu đồng. Đích thân cô Thu Thảo đưa Y Như đến bệnh viện khám bệnh.

“Qua thăm khám các nơi, bác sĩ nói Y Như bị tâm lý khiến tóc rụng. Bây giờ, giáo viên trường vẫn đang nỗ lực giúp em ổn định tinh thần, làm bạn để lắng nghe, chia sẻ những khúc mắc của em, giúp em chữa lành tâm hồn, từ đó tìm lại niềm vui, thoát khỏi bệnh tật”, cô Thu Thảo nói.

Y Như bày tỏ niềm xúc động khi được các thầy cô yêu thương hết mực. Em nói: “Gia đình em khó khăn, cũng may được thầy cô quan tâm giúp đỡ. Em được tặng quần áo, sách vở và đồ dùng học tập. Cô còn cho mẹ em tiền đi chợ. Em biết ơn cô đã giúp đỡ. Em sẽ cố gắng sớm khỏe mạnh, học tập tốt để không phụ lòng mong mỏi của thầy cô”.

Chắp cánh cho các em

Y Như là một trong khoảng 500 lượt học sinh được các giáo viên Trường THCS Nguyễn Du nhận đỡ đầu, hỗ trợ trong 6 năm qua. Việc giúp đỡ thông qua nhiều hình thức, như trường tổ chức tặng quần áo, xe đạp; tặng các em hàng trăm thẻ bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, giáo viên còn tặng 75 góc học tập để các em tự học ở nhà. Các giáo viên còn tham gia dạy kèm miễn phí; san sẻ bữa ăn trưa khi các em ở lại trường… Nhờ đó, các em có điều kiện được chăm sóc sức khỏe, học tập tốt hơn. Tư tưởng đến trường của nhiều em cũng đã thay đổi, thay vì trước đây chỉ nghĩ đi học để biết chữ, nay nhiều em đã biết xác định phải cố gắng học để lập thân, lập nghiệp, để thành tài.

“Chúng tôi luôn xác định, học sinh hạnh phúc là thầy cô giáo hạnh phúc. Để hỗ trợ các em, nhiều giáo viên phải tự bỏ tiền túi, lúc khó khăn thì kêu gọi mạnh thường quân chung tay. Chứng kiến các em chuyên cần học tập, chúng tôi rất vui. Nhà trường sẽ tiếp tục duy trì việc nhận chăm sóc, đỡ đầu với các em đồng bào dân tộc thiểu số nghèo khó, đảm bảo tất cả đều được chăm lo”, bà Hoàng Thị Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, cho biết.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đăk Tô, cho hay, Trường THCS Nguyễn Du là trường thực hiện tốt mô hình đỡ đầu cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Mô hình này đã giúp các em có điều kiện đến lớp tốt hơn, chắp cánh cho các em đạt được ước mơ. Phòng khuyến khích các đơn vị, nhà trường trên địa bàn tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình nhân văn này.

Tin cùng chuyên mục