Thông tin phim Cô Ba Sài Gòn bị quay lén trực tuyến (livestream) và phát tán trên một fanpage xem phim đã được diễn viên Ngô Thanh Vân chia sẻ trên facebook cá nhân. Người quay lén khi thực hiện hành vi còn kêu gọi mọi người: “Phim chiếu rạp (Cô Ba Sài Gòn). Xem nhanh kẻo xóa nha mọi người”. Khi phát hiện sự việc, nữ diễn viên đã gửi bình luận ngay dưới phần livestream: “Em ơi, đừng làm vậy! Hãy để khán giả ra rạp xem em ơi”. Nhưng người này vẫn cố tình tiếp tục, Ngô Thanh Vân lại gửi tiếp bình luận: “Em làm vậy thì em đang giết phim Việt đó”. Ngay sau đó, nhà sản xuất này đã nhờ sự giúp đỡ của ban quản lý rạp chiếu. Phía công an cũng vào cuộc và nhanh chóng bắt được thủ phạm. Người này sau đó thừa nhận hành vi của mình: “Cam đoan sự việc trên là có thật và sẽ chịu mọi hình thức xử lý theo quy định pháp luật”.
Theo chia sẻ của phía ê kíp thực hiện bộ phim Cô Ba Sài Gòn, trong thời gian chưa đầy 30 phút, đoạn livestream này đã thu hút hơn 5.000 lượt xem. Nếu tính toán một cách thông thường, với giá vé phổ biến 45.000 đồng, thiệt hại trước mắt của bộ phim có thể lên đến con số hơn 250 triệu đồng, chưa kể nếu nó bị lưu về, chia sẻ và tiếp tục phát tán. Dư luận đang chờ đợi xem sự việc lần này sẽ được giải quyết như thế nào? Hồi chuông về việc vi phạm bản quyền, vốn đã nhức nhối từ nhiều năm qua, xem ra chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tình trạng quay lén và phát tán phim một cách vô ý thức vốn không còn xa lạ. Trước đây, một bộ phim khác của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân là Tấm Cám: Chuyện chưa kể cũng bị quay lén và phát tán. Thủ phạm sau khi bị phát hiện cũng chỉ bị nhắc nhở hành chính. Một số phim Việt khác như Chạy đi rồi tính, Em chưa 18, Vòng eo 56, Sài Gòn anh yêu em... cũng từng rơi vào tình trạng này. Những hành vi thiếu ý thức không những gây thiệt hại lớn cho các bộ phim mà còn tạo nên tiền lệ xấu, khiến nó ngày càng gia tăng trong cộng đồng xem phim, đặc biệt là các bạn trẻ.
Tại Việt Nam, quy định pháp luật đã có những mức xử phạt khác nhau cho hành vi quay lén và phát tán phim. Phổ biến nhất là xử phạt vi phạm hành chính bằng cách phạt tiền, tịch thu tang vật, nhưng mức độ còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Về xử lý vi phạm dân sự, chủ sở hữu có thể khởi kiện theo quy định nhưng thường các vụ kiện sẽ kéo dài rất lâu và khi có kết quả thì thiệt hại cũng đã rất lớn. Khung hình phạt cao nhất là yêu cầu xử lý hình sự. Tuy nhiên, cho đến nay các cơ quan chức năng thừa nhận, chưa từng có vụ việc nào xử lý hình sự, vì hình thức này đòi hỏi bên nguyên đơn (chủ bản quyền) phải chứng minh được quy mô thương mại của vi phạm bản quyền. Ở lĩnh vực truyền hình, các đơn vị Truyền hình Việt Nam (VTV), Công ty BHD, Truyền hình K+, Hiệp hội Truyền hình trả tiền châu Á - Thái Bình Dương (CASBAA), Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA), Hãng phim 21st Century Fox và Ủy ban Bản quyền Hàn Quốc đã cùng nhau thành lập Liên minh chủ sở hữu quyền (VAC) với mục đích tự cứu lấy mình và cố gắng hạn chế ở mức thấp nhất thiệt hại do tình trạng ăn cắp bản quyền gây ra.
Khi các quy định pháp luật vẫn còn nhiều kẽ hở và chưa đủ sức răn đe, các đơn vị sản xuất chỉ biết trông chờ vào ý thức của khán giả mà thôi.