Hoạt động trở lại với phương thức cũ
Trên nhiều tuyến đường, ngõ hẻm ở TPHCM, hiện vẫn thấy nhiều tờ rơi quảng cáo cho vay tiền với những lời dụ dỗ: “Tư vấn tài chính cho vay tiền nhanh”, “Cho vay tiền trả góp, không cần thế chấp”, “A lô là có tiền ngay”... Nay lại xuất hiện thêm những tờ rơi được in mới, dán đè lên các tờ rơi quảng cáo cũ, dán dày đặc khắp các gầm cầu, cột điện, tường nhà dân. Các nhóm cho vay tín dụng đen còn rao cho vay tiền trên mạng xã hội, lập các website, app vay tiền để hoạt động.
Thuận lợi của loại dịch vụ này là thủ tục vay đơn giản, người vay chỉ cần photocopy hộ khẩu, căn cước công dân, không cần tài sản thế chấp, thời gian giải ngân rất nhanh. Tuy nhiên, phần lớn tổ chức tín dụng đen đều gắn với các băng nhóm tội phạm, hoạt động dưới hình thức cho vay lãi suất cao, kết hợp đòi nợ thuê kiểu “khủng bố” người vay tiền.
Thời gian gần đây, nạn tín dụng đen lại có những diễn biến phức tạp. Mặc dù báo chí đã thông tin rất nhiều về hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức tín dụng đen, nhưng do thấy thủ tục vay đơn giản mà không cần tài sản thế chấp nên vẫn có thêm nhiều người cả tin, thiếu hiểu biết, đang gặp cảnh túng thiếu, cần tiền chữa bệnh, cần tiền mua sắm, dẫn tới làm liều nhắm mắt đưa chân, liên hệ vay tiền, để rồi sập bẫy tín dụng đen.
Một bộ phận khác là những thanh thiếu niên không có việc làm ổn định, sa chân vào tệ nạn cờ bạc, cá độ bóng đá, nghiện ma túy… cũng tìm đến dịch vụ tín dụng đen để vay nóng. Lãi mẹ đẻ lãi con, bị bóc lột, trục lợi một cách gian trá và bị uy hiếp đòi nợ, những người vay tín dụng đen lâm vào cảnh tan cửa nát nhà do không thể trả được hết nợ.
Trong các khu dân cư, tín dụng đen bủa vây ở đâu là ở đó mất trật tự trị an. Gần đây, tín dụng đen len lỏi tới các khu vực nông thôn và cả ở những vùng sâu, vùng xa. Có gia đình luôn phải sống trong tình trạng đối phó với nhóm thanh niên đòi nợ thuê do con cái thua cá độ bóng đá. Bọn chúng uy hiếp, đe dọa bằng chiêu thức, thường xuyên ném trứng thối và các chất thải vào nhà, uy hiếp, làm xáo trộn cuộc sống của các gia đình.
Cảnh giác để không phải thành nạn nhân
Từ thông tin, số điện thoại trên tờ rơi quảng cáo cho vay mới dán ở chân cầu vượt Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), chúng tôi đã gọi liên hệ, nói rằng có nhu cầu vay khoảng 10 triệu đồng để giải quyết công việc.
Người đàn ông nhận cuộc gọi cho biết: “Nếu vay 10 triệu đồng thì chỉ cần căn cước công dân hay giấy phép lái xe, có địa chỉ nơi ở cụ thể. Em chuẩn bị giấy tờ đầy đủ đi, khoảng một tiếng nữa bên anh sẽ có người đến xác minh và làm hồ sơ giao tiền cho em luôn”.
Về phương thức trả, người đàn ông này cho biết có hai cách là trả theo ngày và trả theo từng tuần. Dù trả bằng cách nào thì với mức vay 10 triệu đồng sẽ phải trả cả gốc và lãi 15 triệu đồng/tháng, lãi suất không giảm dần dù số tiền còn nợ đã giảm dần. Do vậy, tìm đến tín dụng đen thì chắc chắn sẽ cầm cái kết lãi mẹ đẻ lãi con, nợ chồng nợ.
Gọi đến đường dây nóng Báo SGGP, chị N.H.H. (ở đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp) kể: “Vì cần một khoản tiền gấp trong công việc, theo một mẫu quảng cáo rao cho vay dán ở cột điện gần nhà, tôi đã liên hệ vay nóng 50 triệu đồng. Mỗi ngày tôi trả 200.000 đồng, vậy mà tới nay đã gần 2 năm vẫn chưa trả xong khoản nợ, cả gốc và lãi. Đôi lúc, công việc buôn bán không thuận lợi, chậm trả vài ngày là các đối tượng đến nhà hung hăng hăm dọa to tiếng”.
Để hoạt động tín dụng đen không phát triển rầm rộ trở lại, điều trước hết là người dân nâng cao cảnh giác, không vay tín dụng đen. Nếu đã trót vay, nên phối hợp với cơ quan công an, cung cấp thông tin để xử lý các đối tượng cho vay nặng lãi. Từ đó, có biện pháp xử lý, khởi tố các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân, nhất là người lao động và nông dân nghèo, thông tin về các tổ chức cấp tín dụng, về dấu hiệu để nhận biết tín dụng đen; phát triển tín dụng tiêu dùng, giúp người nghèo tiếp cận được các nguồn vốn vay với các dịch vụ tài chính minh bạch và chính thống.