Một số nhà đầu tư phản ứng gay gắt trước phân bua của Cường rằng mình không liên quan đến dự án Ifan. Bà N.C., một nhà đầu tư lớn trong dự án Ifan, cho biết thông qua giới thiệu của bạn bè (thân thiết với những người thành lập Công ty Modern Tech) nên bà tin tưởng vào lời hứa mua tiền ảo iFan và Pincoin sẽ được lãi suất 48/tháng nên đầu tư vào dự án Ifan.
Bà N.C. khẳng định có tham gia hội thảo và được diễn giả Diệp Khắc Cường cùng những người của dự án Ifan vẽ ra một “viễn cảnh như mơ”.
“Trước các buổi hội thảo kêu gọi đầu tư với sự tham dự của vài trăm người, ông Cường giới thiệu mình là Chủ tịch HĐQT của dự án Ifan, tin tưởng vào dự án này sẽ có lợi nhuận”, bà N.C. khẳng định và cho rằng ông Cường không thể nào không liên quan như lời ông ta giải thích.
Tương tự, một nhà đầu tư khác tên N.V. cũng khẳng định ông Diệp Khắc Cường, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và nhiều người nổi tiếng khác cùng tham dự sự kiện. Tại đó, trả lời phỏng vấn báo đài, 2 người này có nói về dự án Ifan.
Trong đó, ông Cường thuyết trình đầu tư vào dự án sẽ có lợi nhuận cao. Tin những lời có cánh này, ông N.V. vay mượn tiền bạn bè, người thân mua tiền ảo song đến nay không nhận được một đồng lợi nhuận, lại đối diện với nguy cơ mất trắng vài tỷ đồng đã đầu tư. “Ông Cường nói không liên quan là vô lý.
Được biết, ông Cường hiện còn giữ tiền của nhà đầu tư”, ông N.V. nói và cho biết, chỉ vì tin sẽ có lời mà hàng trăm người lao vào đầu tư. Đến nay, họ lâm vào tình trạng vỡ nợ.
Từ những lập luận và dẫn chứng nêu trên, bà N.C. và nhiều nhà đầu tư khác đang củng cố tư liệu, chứng cứ và làm đơn tố cáo đến cơ quan công an.
Trong một diễn biến khác, ngày 12-4, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) TPHCM Dương Anh Đức thông tin với PV Báo SGGP, Sở TT-TT sẽ rà soát và kiên quyết xử phạt đối với các hành vi tuyên truyền, quảng cáo việc mua bán tiền ảo.
Các hành vi tuyên truyền, quảng cáo việc mua bán, đầu tư các loại tiền kỹ thuật số, tiền ảo trên mạng Internet là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định.
Cùng ngày, Sở TT-TT cũng có thông báo về một số thông tin liên quan đến hoạt động quản lý tiền ảo. Theo đó, hiện nay tiền ảo thông dụng nhất có thể phân làm thành tiền kỹ thuật số (tiền tạo ra từ thuật toán) và tiền ảo. Trên thế giới hiện nay có hơn 1.000 loại tiền kỹ thuật số, tiền ảo đang được tạo ra và lưu hành, một số loại tiền kỹ thuật số thông dụng như Bitcoin, Ethereum, Litecoin….
Các loại tiền này không bị giới hạn về mặt địa lý, lãnh thổ. Quy định pháp luật của các quốc gia cũng không đồng nhất trong việc công nhận tính pháp lý của các loại tiền ảo đã nêu.
Tuy nhiên, theo quy định pháp luật Việt Nam, các tổ chức, cá nhân không được sử dụng, giao dịch tiền kỹ thuật số hay các loại tiền ảo tương tự khác như tiền hoặc phương thức dùng trong thanh toán hàng hóa dịch vụ. Việc sử dụng tiền ảo là vi phạm pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo từ ngày khi xuất hiện xu hướng giao dịch, đầu tư tiền ảo tại Việt Nam song nhiều người vẫn đầu tư, giao dịch. Chính vì vậy, thời gian qua đã có nhiều sự việc lừa đảo bằng cách kinh doanh đa cấp, mua bán vật phẩm ảo trên mạng đã bị các cơ quan chức năng xử lý qua nhiều vụ án gây chấn động dư luận…
Mô hình chung là người dân tham gia đầu tư vì tin vào lời hứa chia nhiều lợi nhuận dẫn đến thiệt hại về tài chính.
Vì vậy, Sở TT-TT khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không thực hiện tuyên truyền, quảng cáo cũng như tham gia mua bán các loại tiền kỹ thuật số, tiền ảo trên mạng Internet. Người dân nên tỉnh táo, cảnh giác không tham gia hình thức đầu tư, kinh doanh không rõ ràng, không được pháp luật công nhận.