Sáng 26-2, UBND TPHCM tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND TPHCM với 312 Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn (gọi chung là Chủ tịch UBND phường).
Giải pháp khắc phục “trên nóng, dưới lạnh”
Mở đầu hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, buổi gặp gỡ, đối thoại là hoạt động thường niên, được tổ chức từ năm 2016 tới nay nhằm lắng nghe, giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, những vấn đề thuộc thẩm quyền UBND TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội tại địa phương.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong chia sẻ, TPHCM vừa trải qua năm 2020 với nhiều khó khăn thách thức, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến các mặt kinh tế - xã hội; trong đó, TPHCM là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề.
Trong bối cảnh đó, TPHCM luôn giữ quyết tâm chống dịch như chống giặc, kịp thời hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng. TPHCM đã nhanh chóng chuyển mình, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép - vừa tập trung phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
TPHCM giữ được mức tăng trưởng dương (1,39%), tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Đồng chí nhấn mạnh, đây là những kết quả rất đáng trân trọng và tự hào.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND TPHCM gửi lời cảm ơn sâu sắc đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp, người lao động đã chung sức cùng chính quyền TPHCM vượt qua khó khăn.
“Đặc biệt, tôi đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của các đồng chí Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trong năm 2020. Trong bối cảnh vừa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, số lượng cán bộ không chuyên trách lại bị cắt giảm, nhưng các đồng chí đã chủ động chỉ đạo, điều hành tại địa phương, góp phần cùng TPHCM thực hiện tốt nhiệm vụ kép”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh. |
Trong năm 2021, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, tập trung kiểm soát dịch Covid-19 vẫn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của TPHCM. Trong đó, vai trò của các Chủ tịch UBND phường là rất quan trọng.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, hội nghị lần này ngoài giải đáp, tháo gỡ khó khăn cho xã, phường, thị trấn, còn là dịp lắng nghe, phản hồi chính sách từ cơ sở và nghe hiến kế cho TPHCM. Một số nội dung cần tập trung như: những cách làm hay trong thực hiện nhiệm vụ kép, cũng như những vẫn đề còn tồn đọng thời gian dài; các giải pháp thực hiện tốt nhất mô hình chính quyền đô thị; các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ trong vận hành bộ máy chính quyền, trong thực thi các quyết sách của TP, khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, trên quyết liệt dưới thờ ơ; làm sao để khó khăn của doanh nghiệp, người dân được tháo gỡ kịp thời, thực hiện tốt chủ đề năm 2021 - năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư.
“TPHCM trân trọng tất cả ý kiến đóng góp, sẵn sàng lắng nghe, chuyển những ý kiến thành những chính sách cụ thể, đáp ứng kỳ vọng của các đồng chí cán bộ, đảng viên và nhân dân”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh. |
Kiến nghị mở “sàn giao dịch công chức”
Trong buổi đối thoại, vấn đề được các Chủ tịch UBND phường đề cập nhiều nhất là tình trạng việc nhiều, cán bộ lại giảm.
Chủ tịch phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) Nguyễn Văn Ngân cho biết, hiện phường có hơn 122.000 dân, áp lực về dân số rất lớn. Thực hiện Nghị định 34 của Chính phủ và Nghị quyết 06 của HĐND TP, phường đã giải quyết dôi dư 28 cán bộ không chuyên trách để đảm bảo đúng quy định. Sau khi sắp xếp, phường gặp khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Chỉ riêng bộ phận tiếp nhận hồ sơ một cửa đã là 4 người, còn lại 7 người thực hiện công tác chuyên môn. Cán bộ phải làm thêm giờ, ngoài giờ để hoàn thành công việc. Tính ra, mỗi cán bộ phải phục vụ 3.500 người dân. Từ thực tế này, ông Nguyễn Văn Ngân kiến nghị UBND TP khi hoạch định chính sách cần lưu ý về dân số, số cán bộ công chức phường, xã.
Tương tự, Chủ tịch UBND phường 5 (quận Tân Bình) Phạm Văn Tiến cũng kiến nghị UBND TPHCM kiến nghị với Bộ Nội vụ điều chỉnh số lượng không chuyên trách ở các địa bàn đông dân.
Trước tình trạng số lượng cán bộ giảm còn công việc thì không giảm, Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh) Phan Thị Mỹ Khuyên đề nghị, đối với những phường, xã đông dân, cứ vượt quá 15.000 dân so với quy định chung thì cần tăng thêm 1 công chức để đảm bảo giải quyết công việc của dân.
Chủ tịch UBND phường 6 (quận Gò Vấp) Phan Đình An cũng nêu tình trạng thiếu công chức tại phường, khi 4 năm nay không tuyển thêm. Vị này kiến nghị TPHCM có thể lập một "sàn giao dịch công chức", để điều phối tình trạng nơi thừa, nơi thiếu. Bởi thực tế có nhiều công chức có nhu cầu chuyển công tác, nhưng hiện cung - cầu chưa gặp được nhau. |
Cũng liên quan đến nhân sự, Chủ tịch UBND phường 2 (quận Bình Thạnh) Nguyễn Văn Quang cho biết, trên địa bàn phường có chợ Bà Chiểu thường bày bán hàng hóa lấn chiếm lòng lề đường, trong khi lực lượng trật tự đô thị của phường rất thiếu. Từ năm 2017 đến nay, phường chỉ được phân công 2 người. Lực lượng như vậy là rất mỏng và yếu. Áp lực công việc lại lớn, còn mức lương chỉ từ 2,4 -2,9 triệu đồng/người/tháng. Chủ tịch UBND phường 2 đề xuất TPHCM có chính sách phù hợp về chức danh, về thu nhập và tập huấn cho lực lượng này làm tốt nhiệm vụ.
Liên quan đến tình trạng hát karaoke tại địa bàn, theo Chủ tịch UBND phường 6 (quận Gò Vấp) Phan Đình An, hiện quy định đầy đủ chế tài, nhưng biện pháp thực thi không có. Như việc đo độ ồn (dB) để xử lý thì cán bộ phường không có công cụ để đo. Vị chủ tịch này đề nghị TPHCM mạnh dạn sử dụng phần mềm, app đo độ ồn, để làm căn cứ xử lý. Hiện nay phường chủ yếu chỉ nhắc nhở, còn lực lượng công an thì cho biết, hát karaoke sau 22 giờ mới xử lý được. |
“Cán bộ tìm dân, không để dân tìm cán bộ”
Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong ghi nhận tất cả các ý kiến và giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND TPHCM và các sở, ngành liên quan, khẩn trương giải quyết và trả lời cho từng phường, xã, thị trấn trước ngày 15-3.
Chủ tịch UBND TPHCM lưu ý thêm một số điểm để các Chủ tịch UBND phường thực hiện trong năm 2021. Trong đó, đồng chí Nguyễn Thành Phong một lần nữa yêu cầu các Chủ tịch UBND phường phải tập trung quyết liệt cho phòng chống dịch Covid-19, không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn mình quản lý.
Từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM trong giai đoạn đổi mới 35 năm qua, nhất là 15 năm gần đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh giá, khu vực kinh tế tư nhân đã có những đóng góp quan trọng. Cụ thể, khu vực tư nhân đã tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, tăng thu ngân sách, tạo sức mạnh tăng trưởng đột phá cho nền kinh tế thành phố. Chính vì vậy, trong năm 2021 - Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu Chủ tịch UBND phường phải ý thức xây dựng một môi trường đầu tư thông thoáng bắt đầu từ chính địa phương mình.
“Các hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp phải có quy trình, thời hạn xử lý và có thư xin lỗi nếu trễ hạn. Khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho người dân, doanh nghiệp”, đồng chí Nguyễn Thành Phong chỉ đạo. |
Chủ tịch UBND TPHCM đặc biệt lưu ý từng phường phải quyết tâm triển khai đạt hiệu quả thật sự công tác cải cách hành chính. Mỗi cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn phải biết xem mình là công bộc của nhân dân. Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo cho hiệu quả công tác cải cách hành chính tại địa phương.
Một việc quan trọng trong năm 2021 là thực hiện chính quyền đô thị tại TPHCM, không tổ chức HĐND cấp quận, phường. Do đó, trách nhiệm của UBND phường và Chủ tịch UBND phường sẽ nặng nề hơn. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Chủ tịch UBND phường đặc biệt lưu ý việc tổ chức thực hiện đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát định kỳ để đảm bảo các chủ trương, chính sách của Trung ương và TPHCM đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất. |
Đối với TP Thủ Đức, một thách thức được Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nêu ra là số lượng cán bộ dôi dư nhiều (hơn 650 người). Đồng chí Nguyễn Thành Phong chỉ đạo các Chủ tịch UBND phường ở TP Thủ Đức nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức mình quản lý để thực hiện việc sắp xếp một cách phù hợp nhất nhằm đảm bảo quyền lợi cho mọi trường hợp như ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: “TPHCM sẽ không để cán bộ, người dân nào phải chịu thiệt, bị ảnh hưởng trong giai đoạn hình thành TP Thủ Đức”.
Người đứng đầu Chính quyền TPHCM đưa ra thông điệp TPHCM tiếp tục xây dựng chính quyền cơ sở gần dân, sát dân, việc gì lợi cho dân, phải hết sức làm, việc gì hại đến dân, phải hết sức tránh. Để làm được điều này, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu các Chủ tịch UBND phường phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết, chủ động tìm hiểu khó khăn của dân theo hướng “cán bộ tìm dân, không để dân tìm cán bộ”. Theo đồng chí, các kiến nghị của người dân được giải quyết kịp thời là nền tảng ổn định để địa phương phát triển. Từng địa phương phát triển thì TPHCM mới phát triển.
Dịp này, Chủ tịch UBND TPHCM khen thưởng 24 Chủ tịch UBND phường xuất sắc, tiêu biểu năm 2020.
* Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM HUỲNH THANH NHÂN: Quy mô dân số không phải là tiêu chí để phân bổ công chức Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thành Nhân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG Hiện nay, biên chế công chức của TPHCM đã vượt cao so với biên chế hàng năm Bộ Nội vụ giao. Từ năm 2017 trở về trước, thi tuyển công chức tại TPHCM là do TPHCM tổ chức. Theo kết luận của Thanh tra Bộ Nội vụ vào năm 2018, thi tuyển công chức cấp phường theo luật phải thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của UBND các quận, huyện. Trên cơ sở kết luận này, Sở Nội vụ TPHCM đã tham mưu UBND TPHCM ban hành Quyết định số 23 ngày 4-9-2020, quy định rõ thẩm quyền của UBND các quận, huyện trong tổ chức thi tuyển công chức cấp xã. Sở đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện căn cứ vào Quyết định 23, tổ chức thực hiện theo thẩm quyền. Về số lượng công chức phường, số lượng cán bộ không chuyên trách theo nghị định 34, Sở Nội vụ TPHCM cũng đã tham mưu UBND TPHCM kiến nghị Trung ương nhiều lần. Mới đây, Bộ đã trả lời các địa phương có kiến nghị, trong đó khẳng định quy mô dân số không phải là tiêu chí để phân bổ công chức và số cán bộ không chuyên trách, nên hiện chưa có cơ sở trình Thủ tướng xem xét. Ai cũng hiểu công việc đổ về phường, xã, thị trấn, nhưng quy định là như thế. Quá trình thực hiện, Sở Nội vụ sẽ tổng hợp ý kiến về những bất cập để tiếp tục kiến nghị. * Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM VÕ TRUNG TRỰC: Sở sẽ tìm giải pháp trọn vẹn xử lý vấn nạn karaoke Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Võ Trung Trực phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG Sở TN-MT TPHCM sẽ tìm giải pháp trọn vẹn cho vấn nạn karaoke. Việc xử lý tình trạng ô nhiễm tiếng ồn karaoke gây ra hiện giao cho ngành tài nguyên môi trường. Ở quận, huyện có Phòng TN-MT, còn tại phường, xã chỉ có 1 công chức phụ trách lĩnh vực này. Để kiểm tra, xử phạt vi phạm tiếng ồn, một mình cán bộ địa chính phường không thể làm được! Thực tế hiện nay, tiếng ồn karaoke chủ yếu phát sinh từ hộ gia đình, khu phố, làng xã, các quán ăn ngoài trời, những loa di động hát bán kẹo. Thường một điểm vi phạm không chỉ vi phạm duy nhất quy định về tiếng ồn, mà thường sẽ vi phạm các quy định khác như sử dụng lao động không có hợp đồng lao động, đánh lộn gây mất an ninh trật tự, hát karaoke vượt chuẩn trên 90dB, kinh doanh không có giấy phép… Cần một đội liên ngành gồm cả công an, địa chính, lao động, văn hóa thông tin, kinh tế cùng tham gia thì mới xử lý được. Sở TN-MT TPHCM sẽ ngồi lại cùng các sở ngành để tìm giải pháp trọn vẹn, cụ thể cho vấn đề này! * Phó Chủ tịch UBND TPHCM VÕ VĂN HOAN: Trách nhiệm chính là Sở TN-MT Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG Xử lý tiếng ồn từ karaoke hiện nay có vấn đề là cơ quan nào chịu trách nhiệm? Nhiều cơ quan còn ý kiến khác nhau và không coi đó là việc của mình. Ở đây có thể khẳng định trách nhiệm chính là của ngành tài nguyên - môi trường. Một vấn đề nữa, là quy định rất nhiều, nhưng quy định nào để xử lý cụ thể trong trường hợp nào? Pháp luật đầy đủ, nhưng để ứng dụng thì yêu cầu Sở TN-MT rà hết lại các quy định pháp luật có liên quan. Thống kê xem một điểm vi phạm như thế họ vi phạm những quy định gì, viện dẫn pháp luật, làm cẩm nang hướng dẫn cho cơ sở xử lý. Khi chúng ta tổ chức tốt, thì người dân, doanh nghiệp cũng thấy đó mà tự điều chỉnh hành vi của mình. |