Nan giải xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Hàng nhái, giả mạo thương hiệu… tràn lan trên thị trường. Mỗi lần lực lượng chức năng ra quân kiểm tra, xử phạt đều ghi nhận số lượng vi phạm tăng đáng kể. Thực tế này khiến dư luận xã hội, doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính bức xúc. 
Gầy dựng lên thương hiệu đã khó, nhưng để lấy lại thương hiệu bị “trộm” lại càng khó khăn, gian khổ bội phần. Như vậy, vai trò của trọng tài thương mại ở đâu trong bối cảnh này?
Nan giải xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ảnh 1 Doanh nghiệp khởi nghiệp tìm kiếm cơ hội phát triển tại một sự kiện
 Gian nan đòi thương hiệu

Cách nay vài ngày, chủ một thương hiệu bột ngũ cốc tại TPHCM chia sẻ bức xúc với báo chí liên quan tới việc một công ty chuyên kinh doanh cà phê lấy logo Sevenday viết cách điệu làm thương hiệu sản phẩm của họ. Sau nhiều tháng trời, chủ thương hiệu bột ngũ cốc đâm đơn kiện công ty cà phê nọ và nhận được đơn phản hồi từ Cục Sở hữu trí tuệ rằng công ty kinh doanh cà phê nọ không sai. Lý do, một bên là Sevenday cà phê, còn lại là Sevenday bột ngũ cốc. “Tôi thắc mắc rằng cùng ngành thực phẩm, cùng sản phẩm nên về nguyên tắc thương hiệu của tôi sẽ được bảo hộ. Nếu Sevenday quần áo, hay Sevenday là các sản phẩm loại khác tôi không nói làm gì, nhưng Cục Sở hữu trí tuệ đều bác hết ý kiến của tôi. Tôi phản ánh đến báo chí và nhận được phản hồi rằng việc này phải quay về Cục Sở hữu trí tuệ. Đi tới lui nhiều quá, mệt rồi, tôi bỏ cuộc luôn cho đến nay!”, chủ thương hiệu bột ngũ cốc Sevenday than vãn. 

Thực tế cho thấy, trường hợp nói trên không phải cá biệt, khi thời gian gần đây các vụ tranh chấp thương mại liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng nhiều. Chẳng hạn trường hợp kiện đòi thương hiệu bánh xèo giữa “Hương Quê” với “Hương Xưa” mà báo chí từng đăng tải, hoặc các trường hợp liên quan đến dược phẩm, thực phẩm chức năng… của hàng loạt thương hiệu nổi tiếng khác. Song song đó, một số thương hiệu như cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc… từng bị doanh nghiệp đối tác đánh cắp thương hiệu cũng trở thành bài học xương máu cho nhiều doanh nghiệp hiện tại. Vì thực tế, để lấy lại thương hiệu tiêu tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc của doanh nghiệp. Trong hành trình gian khó kiện tụng này, một số doanh nghiệp đã lấy lại thương hiệu thành công, nhưng chi phí phải bỏ ra quá lớn, ví dụ thương hiệu bánh pía mang tên Tân Huê Viên, thương hiệu Đức Thành (Công ty Vinamit)...

Tiến sĩ Nguyễn Văn Toàn, Viện trưởng Viện Khoa học phát triển nhân lực và tài năng, đánh giá hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngay từ những ngày đầu thành lập. Chờ đến khi doanh nghiệp lớn mạnh mới quan tâm đến các yếu tố này, do vậy gặp nhiều rủi ro.  

Doanh nghiệp nên cảnh giác


Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài Thương mại TPHCM, cho rằng để quản trị doanh nghiệp tốt cần phải có rất nhiều yếu tố, bao gồm vấn đề nhân sự, chuyên nghiệp… vì doanh nghiệp thua nhau do thiếu chuyên nghiệp. Để dễ hiểu, Luật sư Nguyễn Văn Hậu ví von “khi con người đau ốm cần đến bác sĩ để thăm khám. Nhưng đôi khi chúng ta tự làm bác sĩ cho mình nên hậu quả khó lường”. Hiện nay, đối với doanh nghiệp nói chung, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ nhận được sự trợ giúp pháp lý miễn phí từ một số trung tâm sở hữu trí tuệ, trung tâm trọng tài… 

Vậy các trường hợp tranh chấp liên quan đến thương mại, trung tâm trọng tài thương mại sẽ hỗ trợ được gì? Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, trọng tài sẽ xử lý những tranh chấp giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp, tranh chấp về nhãn hàng hóa, cụ thể là những tranh chấp thương mại phát sinh từ các hoạt động của doanh nghiệp hoặc giữa doanh nghiệp với cá nhân. Thế nhưng doanh nghiệp cần lưu ý, trong quá trình ký hợp đồng thương mại thì phải có thỏa thuận ngay từ đầu là chọn trung tâm trọng tài thương mại nào để giải quyết nếu có tranh chấp xảy ra, để khi phát sinh tranh chấp, trung tâm đó sẽ giải quyết. “Thời gian gần đây, luật được ban hành rất nhiều. Bản thân chúng tôi là luật sư mà mỗi ngày phải đọc, nghiên cứu văn bản pháp luật của các bộ ngành lên đến cả chồng tài liệu. Nếu không có “bác sĩ” (luật sư giỏi chuyên môn, nghiệp vụ - PV) thì chúng ta không có bệnh cũng trở thành “bệnh” bởi vì khối lượng văn bản pháp luật quá nhiều. Do vậy, doanh nghiệp cần cẩn trọng và tốt nhất nên tham vấn ý kiến chuyên môn từ các luật sư trong quá trình phát triển doanh nghiệp để bảo vệ thương hiệu cũng như lường trước những tình huống phát sinh”, Luật sư Nguyễn Văn Hậu lưu ý.
 Ưu điểm của trọng tài thương mại
Xuất phát từ những nguyên tắc giải quyết tranh chấp của mình, trọng tài thể hiện rất nhiều ưu điểm vượt trội, mang lại lợi ích cho các bên khi có tranh chấp trong hoạt động kinh doanh, thương mại. Về vấn đề này, đại diện Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phân tích cụ thể như sau: Thứ nhất, khác với tố tụng tòa án được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự áp dụng để giải quyết tất cả vụ việc trong lĩnh vực dân sự nói chung, thủ tục trọng tài áp dụng cho các tranh chấp trong hoạt động thương mại đơn giản hơn. Các bên có thể chủ động về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp, giúp đẩy nhanh thời gian giải quyết tranh chấp; thủ tục trọng tài không trải qua nhiều cấp xét xử như ở tòa án, nên hạn chế tốn kém về thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp. Thứ hai, việc được quyền lựa chọn trọng tài viên giải quyết tranh chấp, cho phép các bên lựa chọn được chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm thực tế về vấn đề tranh chấp, có uy tín trong ngành nghề làm trọng tài viên giải quyết tranh chấp của các bên, đảm bảo chất lượng giải quyết tranh chấp (tranh chấp bảo hiểm, cổ phiếu, chứng khoán; tranh chấp xây dựng,…). Thứ ba, trọng tài tôn trọng tính bảo mật thông tin cho toàn bộ quá trình, phiên họp trọng tài cũng được thực hiện không công khai, nhờ đó các bên tranh chấp có thể đảm bảo được uy tín của mình trên thương trường, đặc biệt là các công ty đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Thứ tư, thẩm quyền của hội đồng trọng tài được thiết lập dựa trên sự tự nguyện thỏa thuận của các bên mà không phụ thuộc vào quyền lực nhà nước; mềm dẻo hơn, linh hoạt hơn (cho phép sử dụng tiếng nước ngoài, áp dụng luật nước ngoài…) và phù hợp để giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Thứ năm, phán quyết của trọng tài mang tính chung thẩm và bắt buộc các bên phải thi hành. 

Tin cùng chuyên mục