LTS: Trên số ra hôm qua 1-10, Báo SGGP dẫn ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra nhiều lý giải cho tình trạng sạt lở đất và lũ quét đang xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền núi của nước ta. Những mất mát nặng nề về người và tài sản từ sau bão số 3 đến nay đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải sớm có giải pháp hiệu quả cả trước mắt và căn cơ, lâu dài để ứng phó khẩn cấp với tình hình thiên tai được dự báo sẽ càng khắc nghiệt hơn trong thời gian tới.
Hiểm họa dưới những quả đồi nứt toác
Trong trận mưa như trút đêm 30-9 đến sáng 1-10, nhiều hộ dân ở xã Mường Hoa (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) không ngủ được vì sợ lũ quét và sạt lở đất. Một số hộ sống dưới chân núi đã tự di tản khỏi nhà. Tại phường Duyên Hải (TP Lào Cai) đêm 30-9, lực lượng chức năng đã sơ tán khẩn cấp gần 20 hộ dân khi quả đồi phía sau khu dân cư có vết nứt rộng 40cm. Cùng thời điểm, trên quốc lộ 2 qua huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang) xuất hiện thêm điểm có nguy cơ sạt lở mới tại quả đồi thuộc Km33+500 qua thôn Tân Tấu (xã Tân Thành) - cách điểm sạt lở tại xã Việt Vinh chỉ hơn 10km.
Theo khảo sát của Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 135 điểm dân cư với 6.000 hộ đang nằm trong vùng nguy cơ sạt lở. Đặc biệt, ở xóm Dạnh, xã Đông Bắc (huyện Kim Bôi), sau cơn bão số 3, người dân luôn sống trong lo sợ mỗi khi mưa to.
Ở xã Tả Phìn (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên), 81 hộ dân cũng đang phải đối mặt với nguy cơ sạt lở đất và lũ quét. Mặc dù chính quyền địa phương đã nỗ lực vận động các hộ dân di dời, nhiều gia đình vẫn chưa thể tìm được nơi ở mới do thiếu quỹ đất. Các vết nứt trên sườn đồi ngày càng lớn, nguy cơ sạt lở tăng cao. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên), nơi có 223 hộ dân đang sống trong vùng nguy hiểm. Ông Trần Quang Trung, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Mường Ảng cho biết, một số hộ dân chưa thể di dời do thiếu mặt bằng và vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng tái định cư. Bên cạnh đó, một số người dân vẫn cố gắng bám trụ vì không muốn rời xa nơi sinh sống quen thuộc.
Ở nhiều nơi, vấn đề không chỉ ở việc thiếu quỹ đất và tài chính mà còn do các dự án tái định cư bị trì hoãn. Chẳng hạn tại thôn Láo Vàng (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), dù dự án tái định cư đã được quy hoạch từ năm 2020, hàng chục hộ dân vẫn phải sống trong lo sợ vì công trình bị thiếu vốn.
Cần nhiều nguồn lực hỗ trợ
Qua rà soát mới đây, tỉnh Điện Biên có 2.337 hộ dân đang sống trong vùng có nguy cơ bị sạt lở và lũ quét. Cùng với đó, nhiều trường học, cơ quan và tuyến đường giao thông cũng đang bị đe dọa. Trước mùa mưa bão năm nay, UBND tỉnh Hòa Bình cũng rà soát được 135 điểm dân cư không đảm bảo an toàn. Trong đó, 85 điểm với 3.376 hộ có nguy cơ cao bị sạt lở đất, đá và 13 điểm với 157 hộ có nguy cơ bị lũ ống, lũ quét. Mặc dù địa phương đã di dời hàng ngàn người nhưng sau bão số 3, các vết nứt và sụt lún càng xuất hiện nhiều hơn khiến hàng trăm ngôi nhà bị hư hỏng. Tại buổi làm việc gần đây với đoàn công tác của Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đã đề nghị xem xét, hỗ trợ công tác sơ tán, di dời, sắp xếp dân cư.
Theo Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn, địa phương đã di dời khẩn cấp 325 hộ dân để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, sau bão xuất hiện thêm 10 điểm dân cư với hơn 800 nhân khẩu nằm trong vùng nguy hiểm. Việc di dời và tái định cư gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các tỉnh nghèo như Hà Giang, Cao Bằng hay Bắc Kạn, nơi địa hình đồi núi dốc và nguồn lực hạn chế.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn chia sẻ, hàng năm cứ đến mùa mưa là xảy ra sạt lở, người dân đều có nhu cầu được di dời và tái định cư ở nơi an toàn nhưng trở ngại lớn nhất vẫn là kinh phí và bố trí quỹ đất; không chỉ đủ đất để ở mà còn cần đủ diện tích để canh tác, định cư lâu dài. Nhưng bố trí được chỗ đất tốt cũng không dễ bởi hiện nay quỹ đất ở các thôn, xã đã được phân bổ và giao đất, giao rừng cho bà con. Tại một tỉnh có điều kiện kinh tế khá hơn là Lào Cai, ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh này cho rằng, để bố trí lại dân cư, xây dựng nhà cửa cho người dân, mỗi suất đầu tư cũng cần ít nhất vài trăm triệu đồng, chưa kể chi phí giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng… Vì vậy, để di dời cũng cần khoản đầu tư không hề nhỏ, ngoài hỗ trợ của địa phương và một phần tài chính tự túc của các hộ dân, rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và xã hội hóa.
1.226 xã đang sống trong sợ hãi
Theo Viện Địa chất (Bộ TN-MT), nhiều khu vực trên cả nước, đặc biệt là vùng trung du và miền núi phía Bắc, đang đối mặt với nguy cơ cao về sạt lở đất. Trong đó, các tỉnh như Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Lào Cai và Yên Bái có 116 huyện với 1.226 xã nằm trong vùng nguy hiểm. Đặc biệt, 123 huyện với 559 xã có nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ suối. Các khu vực nguy hiểm thường nằm ở sườn dốc núi, dễ tạo ra mưa lớn và sạt lở đất đá, ảnh hưởng đến nhà ở và công trình ven đường giao thông.
Trong năm 2024, Cục Địa chất (Bộ TN-MT) tiếp tục nhiệm vụ lập bản đồ hiện trạng, phân vùng nguy cơ và rủi ro sạt lở đất, lũ quét cho 150 khu vực nguy hiểm với tỷ lệ chi tiết 1:10.000 trở lên. Tuy nhiên theo các chuyên gia, hiện Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn dự báo chính xác được sạt lở đất và các cảnh báo sớm vẫn chưa đạt hiệu quả cao.