Phối hợp cơ quan công an
Theo Ban Quản lý thu, sổ - thẻ (BHXH Việt Nam), để khắc phục tối đa tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đọng BHXH, cơ quan bảo hiểm cùng các địa phương đã theo dõi sát sao, nắm bắt cụ thể tình hình tài chính, lao động, dòng tiền, sản xuất kinh doanh… của từng DN. Qua đó, đưa ra giải pháp đôn đốc, kịp thời nhắc nhở việc đóng đủ BHXH cho người lao động bằng các hình thức như: văn bản, email, điện thoại, gặp gỡ trực tiếp…; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch.
Theo ông Phạm Tuấn Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra của BHXH Việt Nam, để ngăn chặn tình trạng nợ BHXH, từ đầu năm 2022, BHXH Việt Nam và Bộ Công an đã ký kết quy chế phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực BHXH. Hai bên đã thành lập đoàn liên ngành tổ chức đợt kiểm tra tại 6 địa phương: Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bắc Ninh và Bắc Giang.
“Nhờ có sự phối hợp với cơ quan công an nên đã có chuyển biến hơn. Trước đây, chúng tôi rất khó xử lý vì nhiều DN chỉ cử người không có thẩm quyền đứng ra làm việc. Nhưng bây giờ nhờ phối hợp cơ quan công an, nhiều DN đã có trách nhiệm, chấp hành tốt hơn, chủ động khắc phục các vi phạm về chậm đóng, đóng thiếu”, ông Cường cho biết.
Đợt kiểm tra đã giúp thu hồi số tiền nợ đọng khoảng 500 tỷ đồng. Trong đó, đoàn kiểm tra đã rà soát được 2.223 DN từng chậm đóng BHXH với thời gian dài mà trước đây rất khó thu hồi và đã thu hồi được 250 tỷ đồng.
Tuy nhiên hiện nay, tình trạng chậm đóng hoặc nợ vẫn diễn ra ở nhiều DN. Tính từ năm 2021 đến hết tháng 9-2022, cơ quan bảo hiểm đã thu nợ được 4.383 tỷ đồng, nhưng đến tháng 3-2023, theo báo cáo, số tiền còn nợ hoặc chậm đóng phải tính lãi vẫn lên tới 13.150 tỷ đồng, trong đó riêng số tiền nợ liên quan đến 206.000 lao động tại các DN phá sản, ngừng hoặc tạm ngừng hoạt động… là hơn 4.000 tỷ đồng.
Bên cạnh những DN thực sự khó khăn do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thì vẫn có nhiều DN cố tình sử dụng nguồn tiền nợ BHXH cho các mục đích kinh doanh khác. “Không chỉ thu hồi tiền nợ đọng và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính, chúng tôi còn phát hiện có tới 92.380 lao động chưa được tham gia BHXH hoặc bị DN đóng thiếu thời gian tham gia lao động, với tổng số tiền là 246,6 tỷ đồng”, ông Phạm Tuấn Cường thông tin thêm.
Theo ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTB-XH), dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã bổ sung, tăng cường chế tài để xử lý tình trạng cố tình chậm hoặc trốn đóng BHXH. Trong đó, cơ quan có thẩm quyền có thể quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên; tổ chức công đoàn và cơ quan BHXH có thẩm quyền khởi kiện vụ việc ra tòa án. Khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan BHXH có thể đề nghị khởi tố.
Vẫn chưa thể khởi tố
Ông Đinh Duy Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý thu - sổ, thẻ, khẳng định: “Những trường hợp đã được nhắc nhở, đôn đốc nhưng vẫn cố tình chậm đóng, trốn đóng BHXH cho lao động thì cơ quan BHXH đã củng cố hồ sơ đề nghị cơ quan công an điều tra, khởi tố”.
Mặc dù vậy, theo ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Điều 216 của Bộ luật Hình sự đã có quy định xử lý hình sự đối với những đơn vị cố tình trốn đóng BHXH. Chính phủ đã giao Bộ Công an đánh giá việc thực hiện Điều 216 của Bộ luật Hình sự và Nghị quyết số 05 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về xử lý các DN trốn đóng BHXH. Trên cơ sở đánh giá để có đề xuất tới cấp có thẩm quyền khi sửa đổi, bổ sung các quy định. Tuy nhiên thực tế có những khó khăn khi thực hiện Điều 216.
“Chúng tôi đã lập, củng cố hồ sơ và chuyển sang cơ quan công an hơn 300 vụ việc. Nhưng trong hơn 300 vụ việc này, cơ quan công an các cấp tỉnh, huyện đã làm việc với các bên có liên quan (BHXH và DN) thì về cơ bản có một số DN đã nộp luôn số tiền chậm đóng hoặc trốn đóng, cho nên cơ quan công an không khởi tố nữa”, ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn, cũng có một số trường hợp không thể khởi tố hình sự là do chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 216 của Bộ luật Hình sự và Nghị quyết số 05 của Hội đồng Thẩm phán. Nguyên nhân do không thể xác định được rõ khái niệm thế nào là “cố tình trốn đóng BHXH”. “Có những DN trả lời rằng tôi chưa đóng chứ không phải cố tình không đóng”, ông Sơn nêu thực trạng và đề nghị cần vá những kẽ hở để DN không lợi dụng lách luật, trốn đóng BHXH do quy định chưa chặt chẽ.
Lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng cho biết, sắp tới Bộ Công an sẽ có những đánh giá, tổng kết hoạt động phối hợp cơ quan BHXH để làm rõ khái niệm và xác định thế nào là “cố tình trốn đóng BHXH”, đồng thời xác định rõ trách nhiệm là của cá nhân hay của pháp nhân để có đề xuất cụ thể. Theo các ý kiến, khi DN, chủ sử dụng lao động mà trốn đóng BHXH thì có thể coi là pháp nhân vi phạm, nhưng khởi tố thì phải là cá nhân, cụ thể là giám đốc DN đó. Nội dung này cần phải được nêu rõ hơn trong các quy định của pháp luật.
Không thể nói “không có cơ sở xử lý trốn đóng BHXH”
Trả lời các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn mới đây về số vụ trốn, chậm đóng BHXH gia tăng, ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động, nhưng chưa có vụ nào bị khởi tố để tăng tính răn đe, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, mặc dù Bộ luật Hình sự có quy định, Luật BHXH cũng đề cập, thậm chí Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cũng có nghị quyết hướng dẫn, nhưng “vẫn chưa xử lý được”.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, lý do là chưa thống nhất nội hàm “trốn đóng” và “chậm đóng” BHXH. “Chưa rõ nội hàm thì chưa thể khởi tố”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói và cho biết đã trao đổi nhưng cơ quan công an cho biết không có cơ sở vững chắc, không thể khởi tố được. “Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội mấy lần nhắc tôi đôn đốc địa phương xử lý, nhưng đôn đốc mãi rồi và cơ quan chức năng nói không có căn cứ vững chắc”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời trước Quốc hội.
Trong báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH phải tính lãi đến hết năm 2022 là 8.560 tỷ đồng, tăng 121 tỷ đồng so với năm 2021, chiếm 2,69% trên tổng số phải thu BHXH. Trong đó, có khoảng 26.670 đơn vị, doanh nghiệp đã phá sản, đang làm thủ tục giải thể, phá sản; đơn vị ngừng hoạt động và không có người đại diện theo pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của 206.468 người lao động. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, bước vào thời kỳ suy thoái, các doanh nghiệp Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn, phải cho người lao động nghỉ việc, ngừng việc do thiếu đơn hàng, khó khăn tài chính. Bên cạnh đó, cơ quan BHXH cũng chưa xác định, quản lý được hết đối tượng thuộc diện tham gia bắt buộc theo quy định tại khoản 3, Điều 23, Luật BHXH.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, tình trạng ngày càng trầm trọng với số nợ gần 14.000 tỷ đồng, đề nghị Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cơ quan điều tra, tòa án cùng vào cuộc xử lý dứt điểm. Không thể nói không có cơ sở pháp lý để xử lý hình sự một số trường hợp trốn đóng, chiếm dụng tiền BHXH vì tiền này đã trừ vào lương của người lao động. Đồng thời, hoàn toàn có cơ sở giải quyết và phải xem lại trách nhiệm của cơ quan giám sát khi để tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH hàng chục năm nay mà không làm gì được. “Hệ thống pháp luật hiện nay không thể nào bất lực, không thể xử lý tình trạng này”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa lên tiếng.
Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi điều hành phiên chất vấn đã đề nghị TAND tối cao chủ trì, phối hợp Bộ LĐTB-XH, Bộ Công an và Công đoàn Việt Nam gỡ vướng thủ tục khởi kiện liên quan BHXH và đưa ra xét xử một số vụ trốn đóng BHXH.