LTS: Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng 2,4 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH (từ 1 tháng trở lên, diễn ra ở nhiều loại hình doanh nghiệp) với tổng số tiền phải tính lãi lên tới gần 14.000 tỷ đồng. Trong đó, có hàng trăm ngàn người bị “treo” sổ tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ BHXH khó thu hồi. Tuy nhiên, hiện các quy định, chế tài đòi nợ BHXH còn nhiều bất cập.
“Treo” sổ bảo hiểm xã hội
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, trong tổng số 2,4 triệu người lao động bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH thì có khoảng 206.000 người thuộc các doanh nghiệp có “nợ khó đòi”; còn lại là các trường hợp có nợ nhưng tuổi nợ ngắn, nợ luân chuyển, nợ gối đầu (ví dụ 1-2 tháng lại đòi được).
Theo Bộ LĐTB-XH, tính đến tháng 5-2023, cả nước có khoảng 26.670 đơn vị, doanh nghiệp đã phá sản, đang làm thủ tục giải thể, phá sản; ngừng hoạt động và không có người đại diện theo pháp luật.
Sở dĩ tổng số nợ BHXH cao, theo ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý thu - sổ, thẻ (BHXH Việt Nam), là do tồn tích từ năm 1995 khi thành lập BHXH đến nay, nhưng gia tăng trong các năm 2021-2022 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc khó khăn, không huy động được tiền để trả nợ. Song, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, trong số 206.000 trường hợp bị nợ BHXH thì thực tế hiện nay chỉ còn khoảng 125.000 người vẫn bị nợ (chưa được giải quyết chế độ chính sách); đã có 2.291 người được giải quyết chế độ hưu trí, 535 người được giải quyết chế độ tử tuất, 27.415 người đã được giải quyết chế độ BHXH một lần, 34.574 người đã được cơ quan BHXH xác nhận thời gian tham gia để bảo lưu quá trình đóng...
Theo ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTB-XH), trong số hơn 200.000 người bị nợ BHXH, qua rà soát, có khoảng 20% lao động đủ điều kiện hưởng chế độ lương hưu, tử tuất và BHXH một lần thì được giải quyết. Trường hợp lao động chưa đóng đủ số năm thì có thể đóng một lần cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu. Ngoài ra, khoảng 40% lao động đang làm việc ở đơn vị mới và tiếp tục đóng BHXH sẽ được cộng dồn thời gian tham gia, song chỉ giải quyết trên thời gian thực đóng, không cộng số tháng bị nợ. Sau này, nếu khoản nợ thu hồi được thì cơ quan BHXH sẽ xác nhận bổ sung và điều chỉnh mức hưởng cho người lao động. Khoảng 20% lao động đã nghỉ việc, chưa tiếp tục tham gia BHXH sẽ được bảo lưu thời gian đóng để cộng nối tiếp khi đi làm trở lại hoặc đóng BHXH tự nguyện…
Phân vân hướng tháo gỡ
Đề cập hướng giải quyết chế độ chính sách cho những lao động đang bị “treo” sổ tại các doanh nghiệp phá sản, đang làm thủ tục phá sản, ngừng hoạt động hoặc không còn người đại diện pháp luật mà chưa đóng đủ BHXH, ông Dương Văn Hào cho biết, BHXH Việt Nam đã kiến nghị Bộ LĐTB-XH và bộ đã có 2 công văn hướng dẫn giải quyết quyền lợi cho người lao động ở các doanh nghiệp giải thể, phá sản, có nợ khó đòi. Trong đó, công văn số 1025 của Bộ LĐTB-XH hướng dẫn, đối với những lao động đã đủ điều kiện (thời gian thực đóng từ 20 năm trở lên và đủ tuổi hưu) thì được giải quyết chế độ hưu trí. Phần tiền còn nợ của những trường hợp này hiện đang “khoanh”, chờ khi nào có nguồn tiền hợp pháp thì sẽ bù vào. “Nhưng hiện chưa xác định được vì không có ai đứng ra trả được khoản nợ này”, ông Hào nói.
Tính đến hết tháng 5-2023
Tổng số có 17,47 triệu người tham gia BHXH, chiếm 37,48% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022
Tổng số tiền nợ BHXH là gần 14.000 tỷ đồng, chiếm 2,91% tổng số phải thu (trong đó, nợ khó đòi khoảng 4.000 tỷ đồng)
Trong tổng số 206.468 người lao động bị ảnh hưởng, đến đầu tháng 6-2023 đã giải quyết cho khoảng 81.000 trường hợp
Nguồn: Bộ LĐTB-XH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Trước mắt, cơ quan chức năng đề xuất hai hướng xử lý: một là lấy từ Quỹ BHXH; hai là từ ngân sách; nhưng hiện cả hai hướng đều chưa được duyệt. Theo ông Hào, năm 2022, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo đề nghị Bộ LĐTB-XH cùng các cơ quan chức năng đưa nội dung này vào dự thảo Luật BHXH sửa đổi.
Tuy nhiên, về đề xuất lấy ngân sách hoặc tiền lãi đầu tư Quỹ BHXH để giải quyết cho lao động, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTB-XH), phân vân cho biết, Ban soạn thảo Luật BHXH sửa đổi không đề xuất các biện pháp này, bởi điều đó có thể trở thành công cụ khuyến khích chủ doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH với tâm lý đã có ngân sách hoặc tiền quỹ lo.
Đối với 125.000 người lao động đến nay vẫn chưa được giải quyết chế độ, theo ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý thu - sổ, thẻ (BHXH Việt Nam), thực tế đến nay, phần lớn đã chuyển sang các doanh nghiệp, đơn vị mới và nếu đủ điều kiện hưởng theo “khung” trong công văn số 1025 của Bộ LĐTB-XH thì sẽ được cơ quan BHXH xử lý, giải quyết theo chính sách đó.