Thiếu nguồn cung
Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở ngày 1-4-2019, cả nước có hơn 96,2 triệu dân, với tốc độ tăng khoảng 1 triệu người/năm. Riêng TPHCM có hơn 8,9 triệu người (bao gồm cả người đăng ký tạm trú từ 6 tháng trở lên), nhưng dân số thực tế lên đến khoảng 13 triệu người, trong đó gần 3 triệu người nhập cư tạm trú ngắn hạn và khách vãng lai. Khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho thấy, hiện 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu NƠXH trong giai đoạn 2016-2020, hầu hết chọn phương thức thuê mua NƠXH, chiếm tỷ lệ từ 65% - 94%.
Trong 14 năm qua (2004-2019), Quỹ Phát triển nhà ở TPHCM đã hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho khoảng 4.600 cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang được vay ưu đãi để mua nhà ở và đã giải ngân được khoảng 1.960 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn rất thấp so với 81.000 gia đình có nhu cầu. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), cho biết hầu hết các nước trên thế giới, kể cả nhiều nước phát triển, điển hình là Singapore, Hàn Quốc, Pháp... đều có chính sách NƠXH và các chương trình phát triển NƠXH để giải quyết nhu cầu nhà ở mức tối thiểu cho đối tượng là người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư.
Trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kiến tạo chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện, đặc biệt là chính sách về tạo quỹ đất, thuế và tín dụng ưu đãi để thực hiện các dự án NƠXH và hỗ trợ tín dụng ưu đãi dài hạn cho người tiêu dùng để thuê mua, thuê NƠXH phù hợp với nhiều loại đối tượng khác nhau. Ở các nước trên thế giới, hình thức phổ biến nhất là thuê NOXH, sau nữa là thuê mua (mua trả góp dài hạn từ 20-30 năm), và không có loại NƠXH bán ngay như ở Việt Nam.
“Hiện nay, chúng ta chưa thể rút gọn, đơn giản hóa và giảm thời gian thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng NƠXH. Bên cạnh đó, cần phải hoàn thiện phương thức đối tác công-tư (PPP) để thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư có năng lực thực hiện dự án NƠXH, cũng như có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia ngày càng hiệu quả”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, hầu như các địa phương chưa có quy hoạch khu vực riêng để lập dự án đầu tư xây dựng NƠXH. Chính sách NƠXH hiện nay chưa thật sự tập trung để phát triển loại hình NƠXH cho thuê thành hướng phát triển chủ đạo.
Kiến nghị bố trí 2.000 tỷ đồng từ ngân sách
Hiện điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển NƠXH là Nhà nước gần như chưa bố trí được nguồn ngân sách để làm vốn mồi thực hiện chính sách NƠXH. Đặc biệt, chưa bố trí được nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại cho vay NƠXH theo Nghị định 100/2015 của Chính phủ. Trong khi đó, dư nợ tín dụng bất động sản chủ yếu tập trung vào phân khúc cao cấp. Mặc dù Luật Nhà ở đã quy định chính sách về NƠXH, nhưng lại bị ách tắc trong khâu thực thi, khiến chính sách này chưa được triển khai thực hiện đầy đủ và hiệu quả trên thực tế. Ngoài ra, chính sách NƠXH hiện nay chưa thật sự tập trung để phát triển loại NƠXH cho thuê trở thành hướng phát triển chủ đạo.
Cuối tháng 10-2019, UBND TPHCM đã phê duyệt phân bổ cho các quận huyện chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2019 của chương trình cho vay ưu đãi để mua, thuê mua NƠXH; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định 100/2015 của Chính phủ. Tuy nhiên, so với nhu cầu về NƠXH trong năm 2019, với 10 tỷ đồng vốn vay mà TPHCM được phân bổ trong năm 2019 như “muối bỏ biển”.
Theo HoREA, sau khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực, năm 2015, 2016, 2017 ngân sách Nhà nước không bố trí hỗ trợ NƠXH. Đến năm 2018, TPHCM mới được cấp 50 tỷ đồng và đến năm 2019 chỉ còn lại 10 tỷ đồng cho nhu cầu của 81.000 hộ gia đình. Rõ ràng con số này chẳng thấm vào đâu.
Trước tình hình này, HoREA vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Thành ủy TPHCM kiến nghị các giải pháp phát triển NƠXH tại khu vực đô thị. Theo đó, HoREA kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung “Danh mục chi thực hiện chính sách NƠXH” vào Nghị quyết số 1023/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có nguồn ngân sách hỗ trợ thực hiện chính sách NƠXH. Trên cơ sở đó, đề nghị Chính phủ tùy theo điều kiện ngân sách nhà nước để bố trí khoảng 1.000 - 2.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách NƠXH.
HoREA cũng đề nghị Chính phủ thống nhất chính sách về tiết kiệm NƠXH và lãi suất vay mua NƠXH tại Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định. Đề nghị người gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội cũng được hưởng lãi suất tiết kiệm bằng mức lãi suất tiết kiệm thông thường tại các ngân hàng thương mại đối với các khoản tiền gửi trên 12 tháng để khuyến khích đối tượng thụ hưởng NƠXH tham gia, tạo thêm nguồn lực thực hiện chính sách NƠXH.