3 năm chỉ thu hút được 5 chuyên gia
Tại Khu Công nghệ cao (KCNC) TPHCM, TS Hoàng Thế Bân suốt từ năm 2016 tới nay miệt mài với công việc tư vấn xây dựng, phát triển Trung tâm Đào tạo và chuyển giao công nghệ. Có 23 năm làm việc tại Nhật Bản rồi trở về Việt Nam, ông đứng ra kêu gọi vốn ODA của Nhật Bản, hỗ trợ chuyên gia đào tạo các nhân viên, kỹ sư của KCNC. Các hoạt động của TS Bân được Ban Quản lý KCNC TPHCM và các doanh nghiệp đánh giá cao.
Đến tháng 9-2019, UBND TPHCM ban hành Quyết định 17/2019 về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TPHCM có nhu cầu trong giai đoạn 2019-2022. Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Thị Kim Huệ cho biết, thực hiện quyết định này, TPHCM đã có 2 đợt thu hút chuyên gia, vào năm 2020, 2022. Đợt năm 2020, TPHCM dự kiến thu hút 14 chuyên gia cho 5 vị trí. Hội đồng tư vấn nhận được 14 hồ sơ, nhưng qua các bước thẩm định chỉ còn lại 5 người, trong đó có TS Hoàng Thế Bân. Tháng 3-2022, UBND TPHCM ban hành kế hoạch thu hút 5 chuyên gia cho năm 2022, nhưng hết hạn nộp hồ sơ mà chỉ có 2 hồ sơ gửi tới hội đồng tư vấn.
Ngày 8-9, UBND TPHCM tiếp tục có kế hoạch thu hút 8 chuyên gia cho Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao (CNC). Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp CNC TPHCM Phạm Đình Dũng, cho biết, các chuyên gia này dự kiến sẽ về làm việc cho đơn vị trong 6 tháng, với các nhiệm vụ chọn, tạo và sản xuất giống thủy sản, bệnh học thủy sản; chọn tạo giống cây trồng; tư vấn, định hướng về công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh ứng dụng trong nông nghiệp… Đây đều là những công việc rất cần thiết cho định hướng phát triển của Khu Nông nghiệp CNC trong thời gian tới. Chưa biết liệu có thể thu hút được chuyên gia nào không, tuy nhiên, ông Dũng cho biết để có được quyết định này, ban phải dành gần 3 năm để đề xuất các vị trí cần thu hút.
Bài toán về chính sách đãi ngộ
TS Hoàng Thế Bân làm việc tại KCNC TPHCM với mức lương và các khoản hỗ trợ khoảng 20 triệu đồng/tháng - mức thu nhập được đánh giá là quá thấp cho một chuyên gia. Với quy định hiện nay, ngoài 100 triệu đồng hỗ trợ ban đầu, một giáo sư, phó giáo sư nhận mức lương hệ số 9,4 (khoảng 14 triệu đồng/tháng), các trường hợp còn lại hưởng hệ số 8,8 (khoảng 13 triệu đồng/tháng). So với mặt bằng chung của cán bộ công chức là cao, song với một chuyên gia, nhất là chuyên gia đầu ngành thì không tương xứng.
“Việc trả lương theo chuyên gia cao cấp mức 9,4 và 8,8 là không hợp lý. Trước đây, nhờ mức đãi ngộ tối đa 150 triệu đồng/tháng nên trung tâm mới ký được hợp đồng với chuyên gia. Năm 2020, trung tâm đăng ký tuyển thêm 4 chuyên gia, nhưng không có hồ sơ ứng tuyển”, lãnh đạo Trung tâm Công nghệ sinh học cho hay.
Trung tâm Công nghệ sinh học là một trong 4 đơn vị thí điểm thu hút chuyên gia theo Quyết định 5715/2014. Khi đó, trung tâm thu hút được 4 chuyên gia về làm việc, gồm chuyên gia người Mỹ, Anh, Canada và Úc. Các chuyên gia này đã hỗ trợ trung tâm triển khai xây dựng Phòng thí nghiệm Công nghệ Nano, triển khai một số đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ Nano và nghiên cứu về ung thư - những lĩnh vực rất mới mẻ với TPHCM thời điểm đó. Khi có Quyết định 31/2018 thay thế, các chuyên gia cho biết chính sách không còn phù hợp nên lần lượt rời đi. |
Tuy vậy, trong trường hợp của TS Hoàng Thế Bân, ông rất khó để được nhận khoản thưởng này, bởi ông phụ trách đào tạo và tuyển dụng theo nhu cầu của doanh nghiệp chứ không thực hiện đề tài nghiên cứu dùng kinh phí của nhà nước như quy định.
Giải quyết tận gốc
Quyết định 17/2019 được xây dựng trên cơ sở Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM và Nghị quyết 20/2018 của HĐND TPHCM. TPHCM đang tổng kết thực hiện Nghị quyết 54, đề xuất một cơ chế chính sách mới để phát triển thành phố xứng tầm.
Góp ý vào việc tổng kết và đề xuất này, PGS-TS Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm (Đại học Quốc gia TPHCM), phân tích, đã là người tài, người đã thành công và có vị trí trong lĩnh vực của họ, thì mức lương trần 120-150 triệu đồng/tháng là không cao, đặc biệt là với các chuyên gia từ nước ngoài. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả. Các yếu tố khác như môi trường làm việc, cơ chế quản lý... cũng rất quan trọng để nhà nghiên cứu trẻ, kể cả những người đã thành danh muốn góp sức cho đất nước. Bên cạnh đó là hệ thống đánh giá năng lực và hiệu quả làm việc để tạo động lực, không chỉ cho các chuyên gia mà còn cho người lao động nói chung.
PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, cũng nhận xét, thời gian qua, kết quả thực hiện cơ chế chính sách thu hút nhân tài của TPHCM chưa đạt như mong muốn, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ. Suốt 3 năm qua, TPHCM không tuyển thêm được chuyên gia nào. Gần đây còn có tình trạng một số chuyên gia y tế giỏi chuyển sang khu vực tư. Ông cũng dẫn chứng kinh nghiệm, cách làm hiệu quả của Singapore. Họ thu hút và cấp học bổng cho học sinh, sinh viên giỏi từ Việt Nam qua học, khi tốt nghiệp phải có nghĩa vụ làm việc cho Singapore.
Là người trong cuộc, TS Hoàng Thế Bân chia sẻ thêm, điều làm nản lòng chuyên gia, ngoài yếu tố thu nhập còn là quy trình thu hút. Với quy định cũ, ông chỉ mất vài tháng là xong thủ tục, nhưng theo quy trình hiện nay phải mất vài năm. Việc yêu cầu chuyên gia phải tới phỏng vấn, chứng minh năng lực… cũng được cho là không hợp lý. Ngay cả Sở KH-CN TPHCM cũng than về quy trình 7 bước, hội đồng tư vấn phải thẩm định tới 2 lần. Nếu nhanh cũng cần tới 3 tháng, chưa tính đến các thủ tục sau đó như xúc tiến ký hợp đồng, cần rất nhiều thời gian.
Thu hút nhân tài trở thành bài học kinh nghiệm cho sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore trong những thập niên qua. Việt Nam nói chung và TPHCM có thể học tập được gì để đạt bước phát triển tương tự? Đó là câu hỏi, là bài toán cần giải để có bước phát triển như mong đợi.
Bà NGUYỄN THỊ THANH THÚY, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM:
Chính sách thu hút người tài của TPHCM có ý nghĩa đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, nhưng đến nay sở chưa thu hút được tài năng đặc biệt nào. Trong đó, tháng 2-2021, UBND TPHCM ban hành quyết định về việc thu hút, tuyển chọn nhân tài ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và thể dục thể thao. Hết thời hạn, Sở VH-TT TPHCM chỉ nhận được một hồ sơ đăng ký ứng tuyển vị trí chỉ huy dàn nhạc giao hưởng và nhạc - vũ kịch.