Khó khăn chung
Nằm trong khuôn khổ lễ trao giải Dự án phim ngắn CJ 2018, buổi thảo luận về thể loại phim ngắn với sự tham gia của các đạo diễn đến từ Việt Nam và Hàn Quốc, các nhà làm phim trẻ đã mở ra nhiều thông tin hấp dẫn. Dù có nhiều khác biệt về văn hóa, xã hội, vị thế của nền điện ảnh… nhưng không ít điểm chung đã được đại diện hai bên chia sẻ.
Giáo sư Jong Chul Kil đến từ Hàn Quốc nhận định: “Làm phim ngắn gặp rất nhiều khó khăn vì có quá nhiều nội dung cần và muốn chia sẻ nhưng không đủ thời gian và cơ hội để hiện thực hóa điều đó. Cần có năng lực, tài năng và cả sự thông minh vì để làm phim đúng ý muốn bản thân không biết bao nhiêu là đủ”. Theo một nhà làm phim trẻ đến từ xứ sở kim chi tham dự buổi thảo luận, cũng như các nhà làm phim ngắn tại Việt Nam, kinh phí và thời gian chính là những khó khăn mang tính cố hữu.
Để dẫn chứng cho điều đó, các nhà làm phim trẻ Việt Nam tham gia Dự án phim ngắn CJ 2018 thấu hiểu hơn ai hết. Đại diện nhà sản xuất bộ phim Hãy tỉnh thức và sẵn sàng cho biết, vì phim được thực hiện chỉ với một cú máy nên quá trình chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng, cả đoàn mất hàng tháng tập luyện cho nhuần nhuyễn. Vì nếu không quay được, chỉ còn cách trả tiền lại cho ban tổ chức. Nhưng may mắn, chúng tôi thực hiện được 2 shoot quay và 1 trong số đó là hài lòng. Trước đó, đạo diễn Phạm Thiên Ân chia sẻ về câu chuyện trục trặc máy quay và việc xin phép bối cảnh cũng gặp muôn vàn khó khăn.
Thực tế cho thấy, việc làm phim ngắn có những chuyện nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà làm phim. Chu Ánh Nguyệt với Balo hồng đau đầu khi tìm đạo cụ là chiếc xe rác cho nhân vật chính và ngay cả khi có rồi cũng xảy ra tình huống dở khóc dở cười. “Trong lúc xe rác để bên đường, có nhiều người dân xung quanh đi đến vứt rác vào đó. Thậm chí, trong một cảnh quay đêm, một xe tải thu gom rác tại địa phương cũng đến chỗ xe đạo cụ… để gom rác. May mà chúng tôi kịp thời giải thích”. Bộ phim này sau khi hoàn thành bản nháp đầu tiên đã phải tổ chức lại đoàn, quay bổ sung mất thêm rất nhiều thời gian.
Nói về những khó khăn của nhà làm phim ngắn, đạo diễn Phan Đăng Di bổ sung: “Phim ngắn không được chiếu thương mại nên rất khó có thể thu hồi vốn cho các nhà làm phim”. Trong khi đó, theo đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, kinh phí thực hiện một phim ngắn có thể chỉ khoảng 10 triệu đồng, nhưng nhiều trường hợp lên tới 200 - 500 triệu đồng. Với kinh phí được cấp 200 triệu đồng, một số đạo diễn tiết lộ họ không đủ để thực hiện tác phẩm của mình.
Phim ngắn hay phim dài?
Từ trước đến nay, khái niệm “phim ngắn là bước đệm của phim dài” được nhắc đến như câu nói cửa miệng của nhiều nhà làm phim, ngay cả với những người đã thành danh. Tuy nhiên, tại hội thảo lần này những tranh luận trái chiều tạo nên những ý kiến rất thú vị.
Giáo sư Jong Chul Kil, đạo diễn Phan Đăng Di đều có cùng quan điểm khi cho rằng, phim ngắn chính là điểm khởi trước khi bước vào việc sản xuất phim dài. Luận điểm này không phải không có căn cứ. Đạo diễn Phan Đăng Di phân tích: “Nếu bạn làm một phim ngắn không hay, sẽ giúp bạn có ý thức phải làm phim tốt hơn. Và phim dài chính là cơ hội để sửa sai, mặc dù công việc này làm cả đời cũng không khi nào mang đến sự hài lòng hoàn toàn”. Một đạo diễn Hàn Quốc cũng nhận định: “Phim ngắn là nơi để các nhà làm phim trẻ bộc lộ tài năng của bản thân khi họ chưa đủ tiềm lực và sự sẵn sàng với phim dài”.
Tuy nhiên, đạo diễn Yonggeun Min lập luận: “Nói phim ngắn là bàn đạp của phim dài cũng không sai. Cả hai thể loại này đều đáng được trân trọng và đánh giá cao. Tôi không nghĩ làm phim ngắn hay dài sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của nhà làm phim, vì quan trọng nhất là được sống với đam mê. Hãy cho mọi người biết mình là ai, thể hiện phim như thế nào, dù đó là thể loại gì”.
Tỏ ra rất cương quyết, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp phân tích một khía cạnh khác: “Tôi ít có cơ hội làm phim nên cứ được làm phim là thấy sung sướng và chưa bao giờ phân biệt ngắn hay dài. Thậm chí, bắt đầu với phim ngắn tôi còn cảm thấy sung sướng, là nơi đam mê trọn vẹn nhất. Khi bước sang phim dài, câu chuyện phòng vé, ý kiến khen chê từ báo chí, khán giả… khiến nhiều khi mình mất tinh thần”. Đạo diễn Yonggeun Min cũng nêu thêm một luận điểm, phim ngắn chính là nơi đạo diễn được tự do thể hiện cá tính, nghĩ cho bản thân mình nhưng sang phim dài, phải thay đổi vị trí là nghĩ cho khán giả nhiều hơn.
Hiện nay, có thể thấy phong trào làm phim ngắn tại Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu tích cực. Những cuộc thi như: Làm phim 48h, Giải thưởng phim ngắn HTV, Dự án phim ngắn CJ, Cuộc thi phim ngắn 321 Action… đã góp phần tạo nên phong trào sôi nổi, rộng khắp và ngày càng chất lượng. Mặc dù số lượng phim ngắn của Việt Nam hiện nay (khoảng vài trăm phim mỗi năm) so với hàng ngàn phim của Hàn Quốc là con số quá chênh lệch.
Tuy nhiên, ngoài việc làm để thỏa đam mê, bộc lộ bản thân và là bước chuẩn bị cho những dự án phim dài, hầu hết các phim ngắn đều chưa có đầu ra. Ngoài các phim tham dự Giải thưởng phim ngắn HTV được phát trên truyền hình, hầu hết phim được phát miễn phí trên YouTube hay may mắn hơn tham gia các liên hoan phim, giải thưởng nước ngoài. Việc xây dựng cơ chế chính sách để hỗ trợ các nhà làm phim ngắn, xây dựng hạ tầng online để phim ngắn có vị trí được trân trọng hơn… chính là những điều đang đặt ra với các nhà làm phim ngắn tại Việt Nam hiện nay.