Từ đất “vàng” trở nên... nhếch nhác
Nằm ở vị trí “vàng”, ngay nút giao Mai Dịch với 3 mặt tiền gồm đường Vành đai 3 (Phạm Hùng), đường Xuân Thủy và đường Trần Quốc Vượng, dự án Constrexim Complex (thuộc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nam (CTX Holdings) đã được UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 7-2012 và văn bản chấp thuận tổng mặt bằng của Sở QH-KT năm 2017. Dự án có quy mô xây dựng 45 tầng nổi và 3 tầng hầm (trong đó, gồm 1 tòa văn phòng, 3 tòa căn hộ chung khối đế, 5 tầng dịch vụ và thương mại, 3 tầng hầm để xe và hệ thống kỹ thuật). Năm 2018, dự án từng phải tổ chức cưỡng chế để giải phóng mặt bằng. Thời điểm này, nhiều hộ dân đang sử dụng đất nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng dự án đã gửi đơn thư kiến nghị, khiếu nại đến các cơ quan chức năng.
Nội dung kiến nghị cho rằng dự án Constrexim Complex không phải là dự án chuyển tiếp, không phải là dự án Nhà nước thu hồi đất vì mục đích an ninh quốc gia, lợi ích công cộng mà là dự án kinh doanh, thương mại. Do đó, chủ đầu tư dự án phải thỏa thuận bồi thường về đất với người bị thu hồi đất theo Điều 73 Luật Đất đai 2013.
Trao đổi với PV Báo SGGP, bà Nguyễn Thị Hà (ngụ tại đường Xuân Thủy) cho biết, dự án giải phóng mặt bằng nhưng không triển khai khiến cả khu vực vốn đông đúc trở thành
vắng vẻ. Đất giải phóng mặt bằng xong, chỉ vài tháng sau đã mọc lên một khu chợ cóc, chợ tạm khiến tuyến đường Trần Quốc Vượng trở nên nhếch nhác. Một số hộ kinh doanh nhỏ lẻ bên cạnh dự án cho biết, trước khi dự án triển khai, khu đất đã được một đơn vị kinh doanh nội thất cao cấp thuê với giá cả tỷ đồng mỗi tháng.
Khu đất “vàng” tiếp theo bị hoang hóa có vị trí ký hiệu C2 nằm trên đường Nguyễn Thị Thập (phường Nhân Chính, Thanh Xuân) của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội (Handico 6). Nhà đầu tư được UBND TP Hà Nội giao thực hiện dự án y tế, nhà văn hóa và chỗ để xe phục vụ cư dân. Tuy nhiên, đã hơn 20 năm, dự án vẫn gần như chưa nhúc nhích, gây bức xúc cho cư dân. Đại diện Handico 6 cho biết, doanh nghiệp rất muốn triển khai nhanh nhưng do vướng mắc các thủ tục pháp lý và việc xin ý kiến của các sở ngành liên quan nên dự án đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.
Cũng theo đại diện Handico 6, một trong những nguyên nhân khiến dự án chậm triển khai là việc đầu tư dự án với mục đích là dịch vụ nên khó thu hồi vốn. Thậm chí khi dự án hoàn thành, công ty phải bàn giao một phần diện tích công trình cho chính quyền phục vụ mục đích văn hóa, xã hội và y tế, không mang lại lợi nhuận. Trong khi đó, cư dân khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính rất lo ngại việc dự án sẽ được chuyển đổi thành cao ốc hỗn hợp khiến không gian sống thêm chật chội, bí bách. Trước đó, khu vực này đã có nhiều lô đất vốn quy hoạch làm bãi xe, dịch vụ công cộng để phục vụ khu tái định cư, nhưng đều bị chuyển đổi mục đích sử dụng thành các khu chung cư cao tầng để bán.
Lãng phí lớn, ai chịu trách nhiệm?
Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 712 dự án chậm triển khai nhiều năm. Nhiều dự án bất động 10-20 năm khiến người dân bức xúc và là điểm nóng về mất an ninh trật tự. Các giải pháp được đưa ra rất nhiều nhưng hiệu quả thực chất vẫn còn hạn chế.
Trao đổi với PV Báo SGGP, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng, việc cần làm là tiến hành rà soát, phân loại dự án, xem ách tắc ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai. Phải mạnh tay rà soát và xử lý mới trả lại sự trong sạch cho thị trường bất động sản và chống hao hụt, lãng phí tài sản!
Đồng quan điểm, luật sư Lương Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty Luật Bảo Chính (Hà Nội), cho biết, theo quy định tại Điểm i, Khoản 1 Điều 64, Luật Đất đai 2013, dự án được Nhà nước giao, cho thuê nhưng chậm triển khai sau 12-24 tháng sẽ bị thu hồi. Chính quyền rà soát và quy trách nhiệm được thì sẽ giải quyết tốt vấn đề. Bên cạnh đó, cần chọn lựa doanh nghiệp đủ năng lực để cấp phép đầu tư dự án, giúp giảm thiểu những vướng mắc dẫn đến bỏ hoang tài nguyên đất sau này.
“Điều 199 Luật Đất đai năm 2013 quy định rõ, công dân có quyền tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát, phản ánh các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai. Nhưng, kênh giám sát quan trọng từ nhân dân này đến nay chưa thực sự được phát huy do người dân thiếu thông tin về dự án, chỉ biết là đất bỏ hoang chứ không rõ nguyên nhân. Cần thiết lập kênh công khai thông tin về dự án bỏ hoang, về chủ đầu tư để người dân phát huy vai trò giám sát”, luật sư Lương Văn Nghĩa phân tích và cho rằng, cần xem xét trách nhiệm của những cơ quan quản lý nhà nước đã buông lỏng, để dự án quá hạn nhiều năm không triển khai; xử lý trách nhiệm cá nhân cán bộ, lãnh đạo liên quan đến dự án để đất bị bỏ hoang, gây lãng phí.
Ngoài các dự án nói trên, trên địa bàn TP Hà Nội còn hàng loạt dự án đang được quây tôn ngổn ngang như: dự án Tháp tài chính quốc tế IFT do Tổng Công ty Bảo Việt Nhân Thọ làm chủ đầu tư, nằm ở nút giao Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng; dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM thuộc khu đô thị mới Cầu Giấy; dự án Khu phức hợp Giảng Võ do Công ty TNHH Pacific Thăng Long làm chủ đầu tư...