Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng - Bài 3: Kiều hối chảy về đâu?

Lượng kiều hối khoảng 206 tỷ USD mà Việt Nam nhận được từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê về kiều hối) đến năm 2023 là một “nguồn lực vàng” đối với nền kinh tế. Những đồng tiền nặng tình quê hương này đang chảy về đâu?

Nguồn lực quý báu

Theo thống kê từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, lượng kiều hối về Việt Nam từ năm 1993 đến hết 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân trong cùng thời kỳ. Nếu tính cả năm 2023 thì lũy kế đạt khoảng 206 tỷ USD. Trong năm 2023, Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, lượng kiều hối chảy về Việt Nam ước đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022.

Nguồn: NGÂN HÀNG THẾ GIỚI

Nguồn: NGÂN HÀNG THẾ GIỚI

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tình hình lạm phát và xung đột vũ trang… ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và các yếu tố tác động liên quan đến kiều hối, song lượng kiều hối chuyển về TPHCM trong năm 2023 vẫn đạt 9,46 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây và chiếm gần 60% tổng lượng kiều hối cả nước. Lượng kiều hối chuyển về TPHCM trong năm qua gấp 2,7 lần tổng vốn FDI vào TPHCM và bằng khoảng 14% GRDP của TPHCM. Ông Lệnh kỳ vọng, trong năm 2024, lượng kiều hối chuyển về TPHCM tăng khoảng 20%.

Nếu như FDI có thể để lại tác động tiêu cực về môi trường, vốn ODA luôn gắn với những điều kiện ngặt nghèo kèm gánh nặng trả nợ trong tương lai, thì kiều hối là dòng tiền đơn phương một chiều, không gây áp lực phải trả nợ hoặc các vấn đề khác. Đối với TPHCM, kiều hối chuyển về luôn giữ mức tăng ổn định trung bình 3%-7%/năm. Năm 2022, kiều hối về thành phố 6,6 tỷ USD (gần 157.000 tỷ đồng), gấp hơn 1,5 lần FDI và bằng 1/3 tổng thu ngân sách cả năm của thành phố. Năm 2023, kiều hối 9,46 tỷ USD (gần 233.000 tỷ đồng), gấp gần 3 lần FDI (3,4 tỷ USD), bằng một nửa tổng thu ngân sách cả năm (439.000 tỷ đồng). So với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa GRDP của TPHCM năm 2023 là 5,81% thì tốc độ tăng trưởng 35% của lượng kiều hối là rất ấn tượng, là nguồn lực vô cùng lớn và quý báu để phát triển kinh tế - xã hội.

Phần nhiều vào bất động sản

Dù kiều hối được sử dụng để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh hay tiết kiệm tiêu dùng cá nhân thì đều là nguồn lực tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, Ngân hàng Nhà nước không có thống kê cụ thể nguồn kiều hối “chảy” vào đâu, nhưng nguồn ngoại tệ này đi vào nền kinh tế như tiêu dùng, kinh doanh, cải thiện đời sống, xây nhà cửa… và mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và an sinh xã hội. Việc sử dụng, chi tiêu, đầu tư, kinh doanh từ kiều hối mang lại hiệu quả và khác biệt rất lớn so với các nguồn vốn ngoại tệ khác về mặt chi phí sử dụng và điều kiện sử dụng.

Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hàng năm là một nguồn lực tốt, trụ đỡ cho nền kinh tế. Phần nhiều trong số này đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, tiếp đến là tiêu dùng, san sẻ cho người thân ở trong nước và để đầu tư... Trong khi đó, theo một thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, khoảng 15%-20% kiều hối đổ về Việt Nam đã đầu tư trực tiếp vào bất động sản. Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, ở TPHCM hiện nay hơn 50% kiều hối được sử dụng vào bất động sản, trực tiếp hay qua người quen, còn lại là mục đích tiêu dùng, hỗ trợ người thân.

Kiều hối chuyển về Việt Nam thông qua 2 kênh chủ yếu là ngân hàng thương mại và các công ty kiều hối. TPHCM nhìn nhận tầm quan trọng của kiều hối đối với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nên đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài, người lao động ở nước ngoài chuyển tiền về nước. Chẳng hạn như không đánh thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ chuyển về từ kiều bào, chính sách cho phép người nhận giữ 2 ngoại tệ hay gửi ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng…

Trong khi đó, Ngân hàng MSB cho biết, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam thông qua ngân hàng năm 2023 tăng khoảng 20% so với năm trước. Để thu hút kiều hối, ngân hàng đã miễn 100% phí nhận kiều hối, tỷ giá bán ngoại tệ hấp dẫn và tăng thêm 0,3% lãi suất tiết kiệm nếu người gửi chuyển qua VND để gửi tại ngân hàng… Công ty Kiều hối Sacombank (SBR) cũng cho biết, doanh số kiều hối năm 2023 của công ty tăng hơn 95% so với 2022, mức tăng cao nhất 5 năm trở lại đây.

Nghiên cứu của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM cho thấy, trong thời gian qua, kiều hối chuyển về thành phố từng bước được dịch chuyển nhiều hơn vào thị trường chứng khoán, trái phiếu, mở doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ và bất động sản. Đây là xu hướng tích cực, góp phần trực tiếp vào việc mở rộng đầu tư trong nước, tạo việc làm trong nền kinh tế và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ các hoạt động sản xuất và kinh doanh. Khảo sát trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài của đại diện các hội doanh nhân người Việt Nam tại các nước, thế hệ thứ 2 người Việt Nam ở nước ngoài đang có nhu cầu rất lớn được trở về Việt Nam đầu tư. Trong đó đặc biệt là nhu cầu trợ giúp pháp lý xin giấy phép đầu tư, chuyển nguồn tiền, giao thương...

* PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH

Chuyên gia kinh tế (Học viện Tài chính):

Lượng kiều hối về Việt Nam ngày càng gia tăng là nguồn vốn lớn bổ sung vào đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Điều này đã đóng góp vào việc đảm bảo đời sống của nhiều gia đình, hỗ trợ an sinh xã hội trong nước. Dòng tiền kiều hối gửi về cho người thân, gia đình để chi tiêu, xây dựng, mua nhà cửa… cũng là yếu tố thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, kiều hối là nguồn lực quan trọng đóng góp xây dựng phát triển đất nước, giúp tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, góp phần làm giảm sự mất cân đối trong cán cân thanh toán, cải thiện dự trữ ngoại hối, giảm sức ép tăng tỷ giá USD/VND trong nước.

Đại diện Ngân hàng Agribank:

Ngoài các chính sách ưu đãi cho người nhận kiều hối, với hơn 1.000 ngân hàng đại lý trên toàn thế giới, Agribank nỗ lực từng bước phát triển dịch vụ kiều hối, các dịch vụ chuyển tiền với chất lượng tốt, thuận tiện và đáng tin cậy để kiều bào và cộng đồng người Việt đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài chuyển tiền về quê hương nhanh, an toàn và tiện lợi. Kiều hối chuyển qua kênh chính thức giúp ngân hàng tiếp cận các hộ gia đình, cung cấp dịch vụ tài chính, tạo cơ hội cho họ quản lý tài chính cá nhân, hạn chế rủi ro. Trên cơ sở đó, ngân hàng sẽ phát triển mảng bán lẻ đến từng người nghèo ở khu vực nông thôn, thúc đẩy tiết kiệm, đầu tư hiệu quả từ nguồn kiều hối.

Tin cùng chuyên mục