Nhồi nhét trung tâm
“90% dân số của thành phố nén trong 1/3 diện tích, tập trung tại 14 quận nội thành và một vài quận huyện đô thị hóa mới”, ông Nguyễn Minh Hòa, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, công bố thông tin này tại một buổi hội thảo chủ đề về đô thị hóa.
Những vùng đất rộng lớn còn lại như Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ chưa có sức hút vì không thuận lợi cho phát triển kinh tế. TPHCM đã quá tải về mọi phương diện, những thứ đang thiếu như năng lượng, nghĩa trang, bãi rác, trường học - trường mẫu giáo. Mỗi năm, TPHCM tăng dân số cơ học lên khoảng 250.000 người, tương đương số dân một phường, nhiều nhất là quận Gò Vấp và huyện Bình Chánh.
Nguyên nhân chính là mô hình phát triển đô thị của TPHCM đã lạc hậu. Tức là mô hình đô thị đơn cực (chỉ có một trung tâm đơn nhất) đã trở nên lạc hậu, bởi hệ quả của đại đô thị rất nặng nề, dẫn đến quá tải cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, quá tải dân số. Giống như ném một hòn đá thật lớn xuống giữa hồ, mặt nước xao động, tạo ra những vòng sóng hình tròn đồng tâm lan tỏa từ bên trong ra, yếu dần khi ra bên ngoài. Cách làm của thành phố là như vậy, xung lực của trung tâm không vươn ra xa được, cho dù lực tác động vào trung tâm mặt hồ lớn đến đâu cũng không phủ kín được.
Khảo sát từ vệ tinh minh chứng thêm về sự dồn nén vào trung tâm. Ông Phạm Bách Việt, Trung tâm Ứng dụng công nghệ vũ trụ TPHCM, cho biết trong 7 năm, TPHCM có tốc độ đô thị hóa rất nhanh (trừ huyện Cần Giờ). Diện tích có xây dựng tập trung tính toán từ ảnh vệ tinh tăng 13.600ha, chủ yếu các khu vực xung quanh trung tâm. Các quận mới thuộc vùng ven không còn đất trống cho nông nghiệp, chủ yếu là đất trống chưa xây dựng. “Nếu chỉ xét về dân số sẽ dẫn đến một tham số khác là mật độ dân số đô thị ngày càng tăng, nhưng không xác định được quy mô không gian đô thị tới đâu”, ông Phạm Bách Việt nêu nhận xét.
Phát triển thành phố đa cực
Từ góc độ quy hoạch, ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright, phân tích các chính sách của Nhà nước nhất quán trong chục năm qua là giãn dân ra, phát triển thành phố đa cực. Thế nhưng, thực tế cho thấy “chính sách một đường, thị trường lại đi một nẻo”, thành phố phát triển như vết dầu loang từ trung tâm ra. Để khắc phục tình trạng này, phải chấp nhận việc hình thành đô thị là do các lực thị trường quyết định.
Vai trò của Nhà nước: Thứ nhất là xây dựng một số cơ sở hạ tầng “mồi”. Thứ hai là dùng công cụ về quy hoạch sử dụng đất và phát triển đô thị. Thứ ba là dùng các chính sách về thuế và trợ cấp để khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư vào những khu vực mà Nhà nước mong muốn phát triển. “Trục trặc phát triển đô thị TPHCM trong thời gian qua là chưa làm được điều tối thiểu nhất - xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông công cộng công suất lớn, đủ để định hình sự phát triển của thành phố. Sắp tới, Nhà nước cần có những biện pháp nắn dòng để tạo ra đô thị như chúng ta muốn, nếu không sẽ giẫm lại vết xe đổ trước đây”.
“Một số giải pháp phát triển bền vững có thể thực hiện được và thực tế thành công ở các nước, hoàn toàn có thể áp dụng cho TPHCM trong giai đoạn mới”, ông Nguyễn Minh Hòa gợi mở. Đầu tiên, TPHCM chuyển nhanh sang thành trung tâm quốc tế về tài chính, dịch vụ y tế, giáo dục ở bậc cao; đồng thời tiến hành giãn dần lao động phổ thông sang các tỉnh lân cận.
Thứ hai, thành phố sớm hình thành thêm ít nhất một trung tâm để chia sẻ với trung tâm hiện hữu. Mặt khác, phát triển các trung tâm dịch vụ vệ tinh ở bên ngoài thành phố như bệnh viện, trường học, siêu thị, nhằm hút dân cư ra bớt bên ngoài. Cần tính toán quy hoạch lại vành đai nông nghiệp các huyện ngoại thành theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, với mục đích ngoài việc cung cấp thực phẩm cho thành phố thì còn nhằm giữ nông dân và người nhập cư, không cho chuyển dịch sâu vào nội thành. Khi đó tiến hành đầu tư lớn, thu hút nhà đầu tư thực lòng vào nông nghiệp để hình thành các trang trại bò sữa, trồng cây ăn trái và cùng với các làng nghề truyền thống phát triển du lịch…
Theo TS Phạm Phú Quốc, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên nhân sâu xa và khách quan làm hạn chế nguồn lực vốn của TPHCM để đầu tư phát triển chủ yếu do tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố từ 23% xuống còn 18%. Mặc dù đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, nhưng đối với thành phố, nút thắt về tài chính tới nay chưa được tháo gỡ. Vì vậy, việc tính toán nguồn thu để lại cho ngân sách địa phương cần được cân nhắc một cách khoa học và công bằng hơn, tạo nguồn duy trì mức đầu tư công tương xứng với tiềm năng phát triển của TPHCM và nuôi dưỡng nguồn thu chung cho cả nước. |