Nam Trung bộ và Tây Nguyên: Lộ diện nhiều dự án bất động sản xây "lụi" - Bài 1: Nhan nhản công trình không phép, sai phép

Dọc các địa phương ven biển Bình Thuận, Khánh Hòa, hay ngược lên các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Kon Tum, Đắk Nông của Tây Nguyên, hàng loạt dự án bất động sản (BĐS) hiện còn dở dang, nham nhở. Cách nay 2-3 năm, thị trường BĐS ở những tỉnh này “nóng sốt”, nhiều doanh nghiệp, người dân đổ về đầu tư… Nhưng nay, hầu hết những dự án ấy không hẹn ngày hoàn thành do vướng vi phạm.

Dự án FLC Hilltop Gia Lai có sai sót khi triển khai. Ảnh: Hữu Phúc
Dự án FLC Hilltop Gia Lai có sai sót khi triển khai. Ảnh: Hữu Phúc

Xử phạt, tái phạm

Tại tỉnh Bình Thuận, nơi đang có hàng chục dự án BĐS nghỉ dưỡng ven biển, tình trạng các công trình xây dựng không phép đang diễn ra phức tạp. Nằm ngay trung tâm du lịch Mũi Né (phường Mũi Né, TP Phan Thiết), Dự án dịch vụ và du lịch Trường Hải (Công ty Trường Hải làm chủ đầu tư) vừa bị Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận “tuýt còi” vì ngang nhiên tổ chức thi công xây dựng 14 khối nhà và các công trình hồ bơi, nhà hàng không có giấy phép xây dựng.

Điều đáng nói, vào tháng 8-2019, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã xử phạt dự án này do xây dựng 10 khối nhà không phép, nhưng đến nay chủ đầu tư... tái phạm.

Cũng tại TP Phan Thiết, Dự án khu du lịch và nghỉ dưỡng Tiến Thành của Công ty TNHH Du lịch và nghỉ dưỡng Tiến Thành cũng xây “lụi” 2 khu khách sạn, nhà hàng… không phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp. Thanh tra tỉnh Bình Thuận khẳng định, để xảy ra những sai phạm nêu trên, trách nhiệm thuộc về Sở Xây dựng và các tập thể, cá nhân liên quan đến công tác lập, thẩm định quy hoạch xây dựng, tham mưu cấp giấy phép xây dựng...

Xuôi ra TP Nha Trang (Khánh Hòa), đến hết năm 2023, địa phương thống kê còn tới 2.159 công trình trái phép chưa được cưỡng chế. Nhiều dự án chung cư trên địa bàn chưa thể cấp giấy chứng nhận cho người dân vì nhiều lý do. Trong đó, Dự án tổ hợp khách sạn thương mại căn hộ Scenia Bay vẫn đang tổ chức xác định lại giá đất do điều chỉnh quy hoạch chi tiết; Dự án chung cư Napoleon Castle I thuộc trường hợp phát sinh nghĩa vụ tài chính đất đai do điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng nên phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước.

Gần đây nhất, Công an tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Sở TN-MT, yêu cầu cung cấp tài liệu liên quan Dự án khu dân cư Cồn Tân Lập (phường Xương Huân, TP Nha Trang), làm rõ quá trình triển khai thực hiện dự án có vi phạm về đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường.

Ngược lên các tỉnh Tây Nguyên, tại TP Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông), thời gian qua tình trạng xây dựng trái phép ở địa phương này cũng diễn ra rầm rộ. Đặc biệt, tại khu vực thác Cá Sấu (phường Nghĩa Tân và Nghĩa Trung, TP Gia Nghĩa), từ những năm 2020, các “đại gia” đã đua nhau thâu tóm đất ở khu vực này rồi cải tạo, xây dựng nhiều công trình trái phép để bán lại.

Có mặt tại thác Cá Sấu (phường Nghĩa Tân), chúng tôi ghi nhận nhiều diện tích đất nông nghiệp ở đây đã thay đổi hiện trạng so với trước năm 2020. Nhiều công trình nhà ở đã được xây dựng tại khu vực này.

Theo đại diện Phòng Quản lý đô thị TP Gia Nghĩa, hiện nay tại khu vực thác Cá Sấu thuộc tổ dân phố 6 (phường Nghĩa Tân) và tổ dân phố 1 (phường Nghĩa Trung) có một số hộ gia đình, cá nhân san lấp mặt bằng, xây dựng công trình, nhà ở không có giấy phép xây dựng, nguy cơ phá vỡ quy hoạch, gây ảnh hưởng đến quy hoạch và trật tự xây dựng...

Trong khi đó, tại Lâm Đồng, chúng tôi trở lại “dự án lụi” Eden Hills (thôn Trung Hà, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) mà cách đây khoảng 3 năm, khu vực này được coi là “hình mẫu” cho những nhà đầu tư tìm về vùng đất Lâm Hà. Từ một vườn cây rậm rạp với cỏ tranh xen lẫn những cây cà phê già cỗi, nhà đầu tư mua, cải tạo, phân thành từng lô nhỏ và giới thiệu trong tương lai sẽ hình thành 51 biệt thự, nhà vườn hiện đại.

Tại đây, tiện ích nội khu cũng được xây dựng gần như hoàn chỉnh. Đi tiếp sang thôn 3 (xã Mê Linh, huyện Lâm Hà), trên một quả đồi rộng khoảng 10ha đã hình thành con đường bê tông rộng khoảng 6m, dài hơn 300m chạy dọc từ dưới chân dốc lên đỉnh đồi. Tại đây, chủ đầu tư cũng chia thành từng lô hình bàn cờ, diện tích trung bình khoảng 500-1.000m2.

Tại tỉnh Bình Thuận, Sở Xây dựng tỉnh cho biết, thời gian qua xuất hiện tình trạng một số dự án BĐS dù chưa đủ điều kiện pháp lý nhưng chủ đầu tư thực hiện việc rao bán, chuyển nhượng thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền của người mua, trong khi các hình thức này không được quy định trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và các quy định pháp luật có liên quan.

Dự án trên giấy

Năm 2019, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành (Công ty VN Đà Thành) thực hiện dự án Khu đô thị dịch vụ cụm công nghiệp Tân An (phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột). Dự án được triển khai trên diện tích gần 22ha, tổng mức đầu tư 614 tỷ đồng; thời gian thực hiện trong 48 tháng (từ năm 2019-2022).

Tuy nhiên, đến nay, dự án đã quá hạn gần 2 năm nhưng chủ đầu tư vẫn chưa triển khai hạng mục nào. Phía bên ngoài, chủ đầu tư đã rào tôn và dán các pano quảng cáo về dự án, nhưng khi đi vào bên trong thì chỉ là một bãi đất trống!

D5a.jpg
Dự án nghỉ dưỡng với hàng chục nền biệt thự, nhà vườn nằm “bất động” nhiều năm tại xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Tương tự, năm 2020, UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư đô thị Tây Bắc 2 với tổng mức đầu tư 2.100 tỷ đồng, triển khai trên diện tích 27ha tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ. Chủ đầu tư dự án là liên danh Công ty CP Thương mại, quảng cáo, xây dựng, địa ốc Việt Hân (trụ sở tại Hà Nội) và Công ty CP Đầu tư, phát triển hạ tầng Nam Quang (trụ sở tỉnh Hải Dương). Dự án được bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội khoảng 18.000m2 và đất nhà liền kề để bố trí tái định cư khoảng 9.500m2.

Theo kế hoạch, dự án được triển khai hoàn thành trong 2 năm, nhưng đến nay, sau gần 4 năm, dự án vẫn chưa được triển khai bất cứ hạng mục nào. Khu vực triển khai dự án bị bỏ hoang hóa, người dân địa phương tận dụng làm nơi chăn thả bò. Theo Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ Đặng Gia Duẩn, dự án Khu dân cư đô thị Tây Bắc 2 vẫn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng và còn vướng mắc hơn 30 hộ dân chưa chịu nhận tiền bồi thường để bàn giao mặt bằng.

Tại 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, 2 dự án tổ hợp thương mại, nhà phố của Công ty CP Tập đoàn FLC được kỳ vọng trở thành thiên đường vui chơi, giải trí, không gian thương mại sầm uất, nhưng nhiều năm nay vẫn dang dở bởi quá trình triển khai được xác định có vi phạm.

Cụ thể, Dự án Tổ hợp khách sạn, siêu thị và nhà phố thương mại cao cấp FLC Hilltop Gia Lai (gọi tắt là FLC Hilltop Gia Lai) được cấp chủ trương đầu tư cho Công ty CP Tập đoàn FLC với diện tích hơn 31.000m2, bao gồm 3 phân khu chức năng chính là trung tâm hội nghị và khách sạn 5 sao; khu vực Quảng trường Đam San và dãy nhà phố thương mại FLC Hilltop Shophouse.

Tuy nhiên, đã 4 năm, dự án chưa hoàn thành. Trong văn bản trả lời cử tri vào tháng 11-2023, UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, kết quả thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền phát hiện, quá trình triển khai dự án có những sai sót nên UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát để khắc phục.

Tại Kon Tum, Dự án Tổ hợp thương mại, vui chơi giải trí và nhà phố do Công ty CP Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư có diện tích hơn 179.600m2 tại phường Trường Chinh, TP Kon Tum khởi công năm 2019, nhưng đến nay vẫn ngổn ngang! Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án, qua thanh tra cho thấy, UBND tỉnh Kon Tum giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện nhiệm vụ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá là sai, vi phạm Nghị định 151/2017/NĐ-CP và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Khi dự án chưa hoàn thành, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh tham mưu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCNQSDĐ), tự ý tách thửa diện tích đất hơn 71.600m2 thành 474 thửa và cấp riêng GCNQSDĐ với thời hạn lâu dài là không đúng quy định theo Luật Đất đai…

Tin cùng chuyên mục