Nam Trung bộ - Tây Nguyên tổ chức khai giảng năm học mới

Các ngôi trường ở vùng sâu, vùng xa các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới với không khí vui tươi, ấm áp. Nhiều nơi, lễ khai giảng gắn với bài giảng và tập phản xạ ứng phó với động đất.

tttttttt.jpeg
Sau lễ khai giảng, Trường Tiểu học Măng Đen (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông) tổ chức tập phản xạ ứng phó động đất cho học sinh

Tại Kon Tum, sáng 5-9, khoảng 7.000 học sinh thuộc 29 trường học tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum, nơi thường xuyên xảy ra động đất) đồng loạt tham gia lễ khai giảng năm học mới. Đáng chú ý, lúc 8 giờ 27 phút cùng ngày, Kon Plông cũng xảy ra động đất với độ lớn 3,6 richter.

Tại nhiều trường ở Kon Plông, năm nay, lễ khai giảng gắn với bài giảng và tập phản xạ ứng phó với động đất. Như tại Trường Tiểu học Măng Đen (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông), sau lễ khai giảng, nhà trường đã thực hiện bài kiểm tra phản xạ với động đất. Sau tiếng hô cảnh báo, các em học sinh đồng loạt núp dưới gầm bàn một cách thuần thục, an toàn.

Ông Lê Văn Đồng, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Kon Plông cho biết, những năm qua, khi địa bàn xuất hiện động đất, phòng đã yêu cầu các trường tổ chức tuyên truyền cho học sinh các kỹ năng ứng phó như dùng tay che đầu, tìm vị trí dưới gầm bàn để ẩn nấp.

Trong dịp khai giảng này, các trường cũng ôn lại các kỹ năng cần thiết để ứng phó với động đất, nhằm bảo đảm an toàn cho các em.

Cũng trong sáng 5-9, Trường Tiểu học xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) tổ chức Lễ khai giảng năm học mới cho hơn 700 học sinh.

byhbjtyjtgyhjfgy.jpeg
Trường Tiểu học xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) tổ chức lễ khai giảng năm học mới

Tại lễ khai giảng, trước sự có mặt của học sinh, phụ huynh và lãnh đạo xã, bà Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng trường điểm lại những công việc của trường triển khai thời gian qua để nâng cao chất lượng giáo dục như tổ chức nấu ăn trưa miễn phí, đưa học sinh mồ côi về trường nuôi dưỡng; trong năm học này, tập thể giáo viên sẽ tiếp tục duy trì hoạt động nấu ăn trưa miễn phí; đưa học sinh nghèo, mồ côi về nuôi dưỡng để tiếp sức học sinh nghèo đến trường. Đồng thời, Trường Tiểu học Đăk Hà cũng kêu gọi phụ huynh có con em đang theo học, nếu điều kiện khó khăn, có thể gửi con để trường nuôi dưỡng từ thứ 2 đến thứ 6.

fgfghgfhhghh.jpeg
Các em học sinh khiếm thính tại Trung tâm Phục hồi chức năng, giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh Khánh Hòa

Tại Khánh Hòa, ngày 5-9, Trung tâm Phục hồi chức năng, giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Năm nay, Trung tâm đón nhận hơn 150 học sinh khuyết tật, với hai dạng khuyết tật trí tuệ, thần kinh tâm thần và khó khăn nghe nói, trong đó có gần 30 trẻ tự kỷ.

cong nhan.jpeg
Các em ở trung tâm phục hồi chức năng hát quốc ca bằng ngôn ngữ riêng

Tại lễ Chào cờ, sau khi đội cờ, đội trống bắt đầu gõ theo nhịp, bài Quốc ca được các bạn nhỏ khiếm thính hát bằng ngôn ngữ ký hiệu một cách nghiêm trang, chỉnh tề.

cong nhan 3.jpeg
Em Hoài Ân giao tiếp với phóng viên bằng ngôn ngữ kí hiệu

Các thầy cô ở đây cho biết, tại trung tâm có rất nhiều trường hợp đặc biệt, trong đó có trường hợp của em Hoài Ân (13 tuổi) học sinh lớp khiếm thính. Thầy Nguyễn Văn Quang, giáo viên lớp khiếm thính cho biết, Hoài Ân là một trường hợp đặc biệt, gia đình em không được trọn vẹn, em ở với mẹ từ nhỏ. Vào năm 2018, Ân bắt đầu học tại trung tâm, để có thể lo cho việc học của em, mẹ đã phải đi bốc vỏ tôm hằng ngày tại Nha Trang.

gvhg.jpeg
Thầy Nguyễn Văn Quang giáo viên lớp khiếm thính đang phiên dịch cho các em

Hoài Ân chia sẻ về ước mơ của mình: “Em mong muốn sau này trở thành một thợ cắt tóc thật đẹp, có tiền để phụ giúp cho mẹ. Em không có bố, hằng ngày, mẹ vất vả đi bốc vỏ tôm để kiếm tiền lo cho em ăn học, em thương và tôn trọng mẹ rất nhiều”, những lời em nói được thầy Quang dịch lại cho chúng tôi hiểu.

Năm nay cũng là mùa khai giảng đầu tiên của cô giáo trẻ Lê Thảo Nguyên (25 tuổi), giáo viên lớp mầm non khuyết tật trí tuệ, tốt nghiệp sư phạm ngữ văn, trong một lần tình cờ được tiếp xúc với các bạn khuyết tật, bằng tình yêu thương và sự đồng cảm của mình, cô quyết định học thêm chứng về giáo dục đặc biệt.

“Sau khi được tiếp xúc với các bạn bị khuyết tật, tự kỉ, mình cảm nhận được các bạn rất cần sự yêu thương và chung tay giúp đỡ từ mọi người. Nhìn vào, ai cũng sẽ nghĩ các bạn không nói được và không suy nghĩ được, nhưng thực tế các bạn sẽ dùng một ngôn ngữ riêng của bản thân để diễn tả nó. Để có thể hướng dẫn được cho các bạn, giáo viên phải dùng tình yêu thương và sự kiên nhẫn của mình thì mới có thể giúp đỡ mà không làm tổn thương các bạn”, cô Thảo Nguyên chia sẻ.

Bà Phan Thị Ngọc Sinh, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, nhiệm vụ năm học mới không chỉ dừng lại ở chỗ dạy chữ, hướng nghiệp dạy nghề mà còn tạo cơ hội nhiều hơn cho các em rèn luyện kỹ năng, đặc biệt tập trung phát triển các kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập cộng đồng và tự thể hiện bản thân, tiếp cận, triển khai các phương pháp giáo dục mới.

Tại Đắk Nông, dù thời tiết trong ngày khai giảng liên tục mưa nhưng thầy trò trường Tiểu học La Văn Cầu (xã Đắk Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) vẫn tổ chức khai giảng.

Thầy Hà Hữu Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học La Văn Cầu cho biết, năm học mới toàn trường có hơn 1.300 học sinh ở các lớp, trong đó riêng điểm trường ở cụm dân cư số 8 có gần 300 học sinh. Dù mưa nhưng các học sinh vẫn tham dự lễ khai giảng đầy đủ. Đặc biệt tại điểm trường cụm dân cư số 8 dù mưa làm đường đi lại khó khăn nhưng các thầy cô vẫn cố gắng tổ chức lễ khai giảng cho các em vào năm học mới.

Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, cho biết, trên địa bàn, nhiều trường nằm ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên thiếu thốn nhiều cơ sở vật chất. Do đó, UBND huyện cũng như những nhà hảo tâm quan tâm nhiều tạo điều kiện cho các trường, đảm bảo cơ sở dạy và học. Như điểm Trường Tiểu học La Văn Cầu ở cụm dân cư số 8 chưa được kéo điện. Vừa qua, các đơn vị đã tài trợ điện năng lượng mặt trời để phục vụ việc dạy và học cho học sinh.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết, toàn tỉnh có hơn 183.000 học sinh các cấp. Năm học 2024-2025, địa phương đã đầu tư hơn 300 tỷ đồng để xây mới, cải tạo các cơ sở giáo dục; chuẩn bị sẵn sàng từ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018.

MAI CUONG 2.jpg
Điểm trường Tiểu học La Văn Cầu, cụm dân cư số 8 khai giảng năm học mới
CUONG 1.jpg
Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong) khai giảng năm học mới

Tại Bình Thuận, sáng 5-9, hòa trong không khí cả nước, các trường học trên địa bàn huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) cũng đã long trọng tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2024 – 2025. Năm học này, huyện Phú Quý có trên 6.500 học sinh ở các cấp học bước vào năm học mới. Tại buổi lễ, 306 suất học bổng với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng đã được trao cho các em học sinh ở huyện đảo có hoàn cảnh khó khăn.

kien.jpg
Các học sinh khai giảng tại điểm trường 179, Trường tiểu học Liêng Srônh (giữa rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 179, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng)

Tại Lâm Đồng, hòa trong không khí chung của cả nước, Trường Tiểu học Liêng Srônh tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025 tại điểm trường 179 (tiểu khu 179, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông). Đây là điểm trường xa nhất, còn nhiều khó khăn trên địa bàn huyện và cách điểm trường chính 60km. Điểm trường 179 được thành lập từ tháng 9-2013, có 2 lớp 1 với 57 học sinh. Hiện các phòng học của nhà trường là nhà tạm, chưa được xây dựng kiên cố do đất thuộc rừng phòng hộ, chưa được đầu tư cơ sở vật chất, cũng như trang thiết bị phục vụ cho hoạt động dạy và học của điểm trường còn thiếu thốn.

byhbjtyjtgyhjfgy.jpeg

Tin cùng chuyên mục