Hàng trăm nhà dân tại Khánh Hòa bị ngập sâu
Theo ông Nguyễn Ngọc Ý, Trưởng Phòng kinh tế huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa, mưa lớn trên diện rộng từ đêm 31-10 sang ngày 1-11 đã làm nhiều địa phương bị thiệt hại.
Tại huyện Vạn Ninh, hiện có hơn 880ha lúa vụ mùa bị ngập sâu, 5ha tỏi bị cuốn trôi và ước có 70ha bị ngã đỗ; kênh mương bê tông bị sập 553m, đất đá cuốn trôi khoảng 600m3, đường giao thông bị sạt lở khoảng 500m. Nghiêm trọng, có đến 110 nhà dân ngập cục bộ từ 20cm đến 70cm.
Tại thị xã Ninh Hòa, có 150m bờ sông, bờ suối bị sạt lở; 100m đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng; 15ha tôm bị thiệt hại 50-70%, 10ha diện tích nuôi ốc, cua bị thiệt hại 50-70%.
Theo thống kê, mưa lớn đã khiến nhiều nơi tại Khánh Hòa bị ngập, cuốn trôi hơn 4360 con gia súc, gia cầm; 1224ha hoa màu bị ngập úng.
Thống kê thiệt hại của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Khánh Hòa, vào lúc 6 giờ sáng 2-11 cho biết, Khánh Hòa đã có 2 nhà dân bị sập vách, tụt vách do mưa lũ.
Đến thời điểm này, mực nước trên sông Dinh (Ninh Hòa) vượt mức báo động III là 0,16 m; trên sông Cái, TP Nha Trang ở mức dưới báo động I là 2,56 m. Cùng thời điểm này hồ chưa nước Đá Bàn đầu nguồn sông Dinh điều tiết nước 54,1 m3/s.
Bình Thuận họp khẩn ứng phó cơn bão số 12 đang vào đất liền
Trưa 2-11, sau khi tổ chức cuộc họp khẩn, UBND tỉnh Bình Thuận đã có thông báo khẩn gửi các huyện, thị, thành phố và các đơn vị liên quan khẩn trương ứng phó cơn bão số 12 đang hướng vào đất liền.
Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu các địa phương trong tỉnh phát lệnh gọi các tàu thuyền đang đánh bắt ngoài khơi trong vùng có khả năng ảnh hưởng bão phải khẩn trương tìm nơi trú ẩn an toàn.
Nếu đến 17 giờ chiều nay 2-11 mà còn tàu thuyền ngoài biển thì giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Thanh tra Thủy sản tỉnh Bình Thuận đưa tàu ra gọi về, không cho di chuyển. Đồng thời, rà soát, sắp xếp từng tàu thuyền, đưa vào neo đậu đảm bảo chắc chắn, an toàn; không để tàu thuyền neo đậu gần cầu, ràng buộc vào các trụ cầu, không để tàu thuyền trôi ra gây thiệt hại.
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ huy, chỉ đạo công tác ứng phó áp thấp nhiệt đới; phải phân công trực để chỉ đạo và trực tiếp báo cáo tình hình khi cần thiết. Khi cơn bão đổ bộ, việc ưu tiên số một là tập trung cứu người, cứu tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Yêu cầu lãnh đạo và Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Thuận và các địa phương ven biển phải trực tiếp xuống địa bàn chỉ đạo ứng phó. Chú ý phương án di dời dân ven sông, ven biển đến nơi bảo đảm an toàn. Chậm nhất đến 10 giờ trưa ngày mai 3-11 phải hoàn tất các công việc chuẩn bị để chủ động ứng phó trước trong và sau bão.
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Thuận, đến sáng 2-11, trên 1.500 phương tiện tàu thuyền với gần 9.400 lao động đã vào các bến tránh trú an toàn. Hiện ngành chức năng địa phương đang kêu gọi trên 830 phương tiện với 4.300 lao động còn lại đang hoạt động trên biển gần bờ nhanh chóng vào bờ tránh bão.