Khánh Hòa: Bão chồng bão, học sinh tiếp tục nghỉ
Trước diễn biến phức tạp của bão số 14, sáng 18-11, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có cuộc họp khẩn nhằm triển khai công tác ứng phó với cơn bão này. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Khánh Hòa, tỉnh hiện có 240 tàu thuyền với trên 1.550 thuyền viên đang hoạt động trên các vùng biển. Các phương tiện này đã được thông báo và nắm thông tin về hướng di chuyển của cơn bão số 14 để tìm nơi tránh trú an toàn.
Các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương triển khai lực lượng, hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa. Từ 12 giờ ngày 18-11, các trường cho học sinh nghỉ học; các tàu đánh bắt thủy sản, tàu du lịch và phương tiện đường thủy không được ra khơi.
Cùng ngày, ngư dân ở trên các tàu cá và hộ nuôi trồng thủy sản ở trên lồng bè trên biển, bắt buộc phải trở vào bờ trước 16 giờ. Công tác sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng ven biển và thấp trũng, đến nơi an toàn hoàn thành trước 19 giờ...
Kết luận buổi họp, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh nhấn mạnh, các ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền cho người dân biết về cơn bão số 14, thông qua cơ quan báo chí, phương tiện tuyên truyền lưu động và tin nhắn điện thoại; hướng dẫn và hỗ trợ người dân chuẩn bị lương thực, thực phẩm, chằng chống nhà cửa; quyết liệt di dời người dân ở trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản và trên tàu thuyền; ngăn cấm tất cả phương tiện và người dân ra biển; khẩn trương gia cố các hồ chứa; duy trì hệ thống thông tin liên lạc...
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Vĩnh Tiền, Phó Ban quản lý vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), cho biết, hiện nay hoạt động chở khách du lịch bằng ca nô trên Vịnh Nha Trang đã tạm dừng do bão số 14. Theo đó, vào 12 giờ ngày 18-11, tất cả các ca nô chở khách du lịch tại bến tàu Cầu Đá (TP Nha Trang) đã được lệnh di tản vào vùng trú tránh bão Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP Nha Trang).
UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Sở Du lịch phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các doanh nghiệp du lịch, các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú trên địa bàn có phương án ứng phó bão, mưa lũ, thống kê số du khách đang lưu trú tại các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng ven biển và trên đảo, đồng thời triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách đang lưu trú tại các khu du lịch biển đảo trên địa bàn.
Cùng ngày, Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh này, Sở đã chỉ đạo cho học sinh trên địa bàn nghỉ học do ảnh hưởng của cơn bão số 14. Theo đó, học sinh trên địa bàn tỉnh bắt đầu nghỉ học từ đầu giờ chiều 18-11 cho đến hết ngày 20-11. Được biết, học sinh nhiều địa phương tại Khánh Hòa cũng vừa trở lại trường học cách đây chỉ vài hôm do ảnh hưởng của bão số 12, nay tiếp tục nghỉ do bão chồng bão.
Ninh Thuận: 100% tổng số tàu thuyền đã được liên lạc báo bão
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, đến nay 100% tổng số tàu thuyền 2.651 chiếc/16.474 lao động trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã được liên lạc, cảnh báo neo đậu và rút ra khỏi vùng nguy hiểm ảnh hưởng do bão. Theo ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, bão số 14 diễn biến nhanh và phức tạp. Vì vậy, các sở, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.
Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển kể từ sáng ngày 18-11-2017; thông báo, kêu gọi tất cả tàu thuyền về neo đậu nơi an toàn tại các khu tránh trú bão trong tỉnh và ngoài tỉnh; tổ chức sắp xếp, neo đậu tàu thuyền hợp lý, chắc chắn, tránh va đập, kiên quyết không để người dân nào ở lại trên tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi trồng thủy sản; công việc hoàn thành trước 21 giờ ngày 18-11.
Tỉnh Ninh Thuận cũng yêu cầu các đơn vị trong tỉnh rút kinh nghiệm cơn bão số 12, các địa phương cần quyết liệt và chủ động kể cả cưỡng chế triển khai di dời dân ở những vùng xung yếu, ven biển, tàu thuyền, lồng bè trên biển; vùng nguy cơ sạt lở cao, vùng lũ quét, chỉ đạo người dân chằng, chống nhà cửa nhất là khu vực ven biển, giảm thiệt hại thấp nhất về người và tài sản của nhân dân. Giao Sở NN-PTNT kiểm tra lại an toàn các hồ đập, các hồ thủy lợi đang còn thấp thì sẵn sàng tích nước, các hồ gần đạt ngưỡng từ 90- 95% cần vận hành an toàn, cảnh báo tình huống xả lũ cho các địa phương để chủ động ứng phó, nếu xả sai quy trình sẽ kỷ luật nghiêm đối với các cơ quan, cá nhân vi phạm.
Bình Thuận: Tổ chức giúp dân thu hoạch hải sản trước bão đổ bộ
Sáng 18-11, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương trong tỉnh về chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 14 trên biển Đông dự kiến đi vào tỉnh Bình Thuận vào sáng 19-11.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, bão số 14 đang di chuyển rất nhanh và khả năng đổ bộ trực tiếp vào huyện Tuy Phong, Phú Quý. Do vậy, tỉnh Bình Thuận yêu cầu các đơn vị liên quan cần khẩn trương có lệnh cấm tàu ra khơi; cấp bách kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào bờ neo đậu, che chắn kỹ càng để tránh thiệt hại nặng.
Trước 17 giờ ngày 18-11, các địa phương phải kiên quyết neo đậu các lồng bè và tổ chức giúp dân thu hoạch hải sản. Ngoài ra, các đơn vị liên quan trong tỉnh phải nhanh chóng triển khai phương án phân công, huy động lực lượng chằng chống nhà cửa, nhất là vùng ven biển và huyện đảo Phú Quý.
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, tổng số tàu thuyền toàn tỉnh hiện có gần 7.200 chiếc/38.298 lao động. Tính đến 19 giờ ngày 17-11, số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 2.322 chiếc/14.325 lao động, trong đó tàu thuyền đánh bắt xa bờ 343 chiếc/4.216 lao động; tàu đánh bắt gần bờ 1.979 chiếc/10.109 lao động, hoạt động khu vực ven biển. Hiện đơn vị này đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thông báo cho các phương tiện hoạt động trên biển biết tin về cơn bão số 14 đang đổ bộ vào đất liền để có hướng phòng tránh kịp thời.