Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, từ ngày 11-2, tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu hướng gia tăng đến ngày 16-2, sau đó giảm dần. Độ mặn cao nhất tại các trạm phổ biến thấp hơn so với tháng 2-2024, một số khu vực ở tỉnh Cà Mau ghi nhận mức mặn cao hơn.
Hiện trạng thủy văn cho thấy, mực nước trên sông Tiền và sông Hậu đang dao động theo triều. Mực nước cao nhất tại Tân Châu đạt 1,55m và tại Châu Đốc là 1,75m (cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,2-0,3m). Thủy triều tại Vũng Tàu duy trì mức cao với đỉnh triều từ 3,9-4m, trong khi tại Biển Tây (Rạch Giá), đỉnh triều dao động từ 55-60cm.
Xâm nhập mặn tại các cửa sông chính ở ĐBSCL cũng có xu hướng mở rộng, với phạm vi ranh mặn 4‰ vào sâu đất liền 30-55km tùy khu vực. Trong đó, sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập 45-55km; sông Hàm Luông, Cổ Chiên và sông Hậu cũng có mức xâm nhập tương tự, trong khi sông Cái Lớn có phạm vi xâm mặn sâu 30-40km.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, các đợt mặn cao tập trung vào giai đoạn từ ngày 10 đến 16-2 và từ 27-2 đến 4-3 đối với các cửa sông Cửu Long, trong khi các sông Vàm Cỏ và Cái Lớn sẽ bị ảnh hưởng mạnh vào tháng 3 và 4.
Trước tình hình này, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia khuyến cáo các địa phương chủ động tích trữ nước ngọt trong thời gian triều thấp, để phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.
ĐBSCL cần cập nhật liên tục thông tin dự báo để có biện pháp ứng phó phù hợp, nhất là các vùng ven biển và những khu vực có khả năng bị ảnh hưởng mạnh bởi xâm nhập mặn.