Cùng nhau đi đào nấm
Sáng 28-5, khi cơn mưa vừa dứt, trên lô cao su thuộc xã Tiến Hưng, TP Đồng Xoài tấp nập người dân đi tìm nấm. Ngoài những người dân địa phương trong tỉnh Bình Phước còn có nhiều người từ các tỉnh khác đến để tìm "lộc trời”. Trong số đó có những người là dân chuyên đi hái nấm chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và cả những người lần đầu tiên đi thử vận may. Có người còn lái xe ô tô, xe bán tải chở cả gia đình lên lô cao su tìm nấm.
Đang điều khiển xe len lỏi giữa những hàng cao su, anh Cao Đình Phúc ở khu phố Suối Cam, phường Tiến Thành (TP Đồng Xoài) bỗng dừng xe, chỉ tay về phía một gốc cao su và hô lên: “có nấm”. Theo tay anh Phúc, chúng tôi quan sát thấy những cái nấm màu nâu nhạt mới vừa nhú lên khỏi khỏi mặt đất. Anh Phúc xuống xe với tay lấy một cái que bằng gỗ mà anh mang theo sẵn và bắt đầu đào nấm. “Ổ” nấm mối này tuy có chừng chục cây nấm nhưng cây nào cũng khá to và chắc nịch.
Anh Phúc cho hay, đây là loại nấm búp, rất ngon và có giá bán rất cao. Dù năm nào anh với vợ cũng đi tìm nấm mối về ăn nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm. Theo anh Phúc, có những người họ đi tìm nấm rất chuyên nghiệp, chỉ cần quan sát mặt đất là họ sẽ biết nơi đó có nấm khi nấm còn chưa nhú lên và thường thì nấm chưa nhú lên mặt đất như vậy gọi là nấm đinh.
Lên Bình Phước từ sáng sớm, sau hơn nửa ngày quần thảo trong các lô cao su, chị Nguyễn Thị Vân, nhà ở huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương cùng con gái cũng nhổ được chừng 1kg nấm dù đã nở. May mắn hơn chị Vân, anh Trần Khiết Phạm Đức ở xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú (Bình Phước) tới lô cao su nhổ được một túi nilon nấm búp, chỉ sau vài giờ.
Đặc sản của miền Đông Nam bộ
Nấm mối là đặc sản của vùng Đông Nam bộ, nhưng nhiều nhất là ở Bình Phước. Vì nấm mối rất ngon và có giá cao nên vào mùa nấm mối, người dân từ các nơi khác như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh đến tìm nấm đông như trẩy hội. Ban đêm, người tìm nấm chạy xe máy hoặc lội bộ rọi đèn pin sáng choang cả vườn cao su. Họ lùng sục từng đống lá mục, gốc cây để tìm nấm. Đi tìm nấm cũng như thử vận may, bởi có người hái được khá nhiều nấm, nhưng cũng có người trở về tay không. Có người đi trước không thấy nấm, nhưng người đi sau lại thấy... Người đi tìm nấm tin rằng, khi đào nấm mối chỉ được dùng thanh gỗ, nếu dùng kim loại thì năm sau sẽ không có nấm mọc nơi đó nữa.
Nấm mối chủ yếu được phân thành ba loại chính là nấm dù, nấm búp và nấm đinh. Nấm dù là nấm đã nở ra có hình dáng giống cây dù. Loại này có giá thấp nhất nhưng hiện cũng từ 400 - 500 ngàn đồng/kg. Còn loại nấm búp đầu mùa chất lượng cao nên có giá 650 - 700 ngàn đồng. Trong khi đó, nấm đinh là loại còn nằm trong lòng đất đã bị đào lên có giá lên đến cả triệu đồng/kg. Do giá nấm khá cao như vậy, không ít người tìm nấm một đêm kiếm được vài triệu đồng.
Nấm mối tuy đắt đỏ là vậy, nhưng do hương vị thơm ngon và bổ dưỡng nên có bao nhiêu cũng bán hết bấy nhiêu. Hễ nghe tới mùa nấm mối là các thương lái tranh nhau thu mua. Có người còn dựng cả chòi, bạt gần các lô cao su thường có nhiều nấm để đón mua nấm ngay tại chỗ. Chị Thương, một người thu mua nấm mối nhà ở tận Đồng Nai qua Bình Phước mua nấm cho hay, mỗi năm vào mùa nấm chị có thể kiếm lời hàng chục triệu đồng.
Mùa nấm mối thường từ cuối tháng 4 Âm lịch và kéo dài khoảng hơn một tháng, khi thời tiết giao mùa chuyển từ nắng nóng sang mùa mưa dài ngày. Mưa làm đất ẩm ướt và nhiệt độ ấm nóng sẽ là điều kiện thuận lợi để nấm mọc. Nấm mối thơm ngon, bổ dưỡng nhưng cho đến nay vẫn chưa được trồng nhân tạo thành công nên đến nay nó vẫn là món quà của thiên nhiên ban tặng...
Hiện tại ở Việt Nam, một số nơi như Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ đang trồng loại nấm mối đen, có chất lượng thơm ngon nhưng vẫn không thể sánh bằng nấm mối thiên nhiên.