Năm học mới, nỗi lo cũ

Cùng với cả nước, hơn 2 triệu học sinh (HS) các cấp trên địa bàn các tỉnh Đông Nam bộ đã bước vào năm học mới 2023- 2024 với lễ khai giảng tổ chức đơn giản nhưng trang trọng. Tuy nhiên, với các tỉnh tăng dân số cơ học cao như Đồng Nai và Bình Dương, việc đảm bảo đủ cơ sở vật chất trường lớp, đảm bảo chất lượng đào tạo vẫn là nỗi lo.
Học sinh Trường Dân tộc nội trú THCS và THPT Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước dự lễ khai giảng. Ảnh: BÙI LIÊM
Học sinh Trường Dân tộc nội trú THCS và THPT Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước dự lễ khai giảng. Ảnh: BÙI LIÊM

Trường THCS Trảng Dài (TP Biên Hòa) là trường có đông HS nhất tỉnh Đồng Nai với hơn 3.200 HS. Sáng 5-9, các em HS đã đến trường tập trung, dự lễ khai giảng. Trước cổng trường, cờ hoa tung bay khiến không khí ngày khai giảng trở nên rộn ràng, náo nức và do số lượng đông nên ngoài các em dự khai giảng tại trường còn có nhiều HS dự khai giảng trực tuyến trong lớp học và tại nhà. Chị Kim Oanh, công nhân Công ty Changshin Việt Nam, tranh thủ dặn dò con gái Bảo Uyên rồi vào ca làm việc. Chị nói: “Tôi mong năm học mới con gái có điều kiện học tập tốt hơn, chăm ngoan học giỏi. Trường sẽ được nâng cấp mở rộng chứ không phải chật chội với hơn 45 HS/lớp như hiện nay”. Dự khai giảng tại trường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh thấy một phòng học lớp 8 khá chật nên động viên HS chịu khó học tập và cho hay, tỉnh đang cố gắng xây trường mới để các em được học trong điều kiện tốt hơn.

Năm học 2023-2024, tỉnh Đồng Nai có hơn 700.000 HS, tăng 20.000 em so với năm học trước. Một số địa phương dân số tăng cơ học cao, cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực để bảo đảm trường lớp, không để xảy ra tình trạng học ca 3. Sở GD- ĐT cũng tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh không tăng học phí; vận động nguồn lực hỗ trợ HS nghèo, đồng thời miễn giảm học phí, hỗ trợ bảo hiểm y tế cho HS, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc thu nộp các khoản đóng góp đầu năm học mới.

Tại Bình Phước, năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 258.091 HS các cấp học và cơ sở vật chất trường lớp phục vụ dạy - học luôn là nỗi lo khi bước vào năm học mới, nhất là tại vùng biên giới. Huyện biên giới Bù Đốp đã đầu tư xây mới 3 trường học với 40 phòng học, 42 phòng chức năng gồm: Trường TH- THCS Phước Thiện với 24 phòng học đã được bàn giao; Trường Mầm non Phước Thiện và Tiểu học Thanh Bình B sẽ bàn giao trong học kỳ I năm nay. Còn tại huyện Lộc Ninh đã đầu tư hơn 115 tỷ đồng cho giáo dục, trong đó gần 15,7 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị và hơn 99,3 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất cho các trường; nhiều phòng học xuống cấp cũng được ngành giáo dục huyện duy tu, sửa chữa.

Năm học 2023- 2024, tỉnh Bình Dương có hơn 520.000 HS, tăng hơn 20.000 HS so với năm học trước. Tỉnh đã xây mới 8 trường học, trong đó có 1 trường mầm non, 4 trường tiểu học, 3 trường THCS. Ngoài ra, ngành giáo dục tỉnh cũng nâng cấp, sửa chữa 7 trường (gồm 3 trường THCS, 4 trường THPT), nâng tổng số trường học lên 732 trường (mầm non 439 trường, tiểu học 163 trường, THCS 90 trường, THPT 39 trường).

Mặc dù bước vào năm học mới với nhiều nỗi lo về trường lớp, sĩ số HS quá đông, ảnh hưởng đến chất lượng dạy - học, nguồn thu nhập của nhiều gia đình giảm do kinh tế khó khăn, nhưng ngành GD- ĐT các tỉnh Đông Nam bộ vẫn tự tin hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ năm học đề ra.

Tin cùng chuyên mục