Hồi hộp chờ mua SGK
Cuối tuần qua, ghi nhận của PV Báo SGGP tại nhiều hệ thống nhà sách và cửa hàng phát hành sách tại TPHCM cho thấy, SGK lớp 4, 8 và 11 bắt đầu được bày bán nhưng chưa phủ kín các môn học. Đơn cử, tại nhà sách FAHASA trên đường Hai Bà Trưng (quận 3), SGK lớp 11 bộ “Cánh diều” (Công ty cổ phần Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam phát hành) hoàn toàn vắng bóng, riêng bộ “Chân trời sáng tạo” (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành) chỉ còn một số môn học. Tương tự, tại nhà sách Hải An (quận 1), trong khi bộ “Chân trời sáng tạo” có nguồn cung khá dồi dào, phụ huynh có thể mua nguyên bộ hoặc mua lẻ từng môn học thì bộ “Cánh diều” chưa biết khi nào sẽ có hàng. Phụ huynh có nhu cầu mua sách “Cánh diều” được nhân viên nhà sách hướng dẫn để lại số điện thoại, khi nào sách về sẽ liên hệ với phụ huynh. Riêng tại hệ thống nhà sách Phương Nam, nguồn cung SGK không đồng đều giữa các môn học và bộ sách, người mua được gợi ý “môn nào có sẵn thì mua trước, những môn còn lại quay lại mua sau”.
Trong các trường học, SGK mới được phân bố nhỏ giọt cho hiệu trưởng và tổ trưởng chuyên môn các môn học, riêng giáo viên sử dụng bản sách online để soạn kế hoạch bài dạy cho năm học mới. Phó hiệu trưởng một trường THCS ở quận Bình Thạnh cho biết, năm học tới đây, trường chọn SGK lớp 8 ở cả 2 bộ sách là “Chân trời sáng tạo” và “Cánh diều” nên hiện tại chưa có đủ nguồn cung sách ở tất cả môn học. Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), phụ huynh có nhu cầu mua SGK đăng ký mua theo lớp. Tuy nhiên, hiện tại trường chưa nhận được sách, khi nào đơn vị phát hành cung ứng SGK, giáo viên sẽ thông báo cho phụ huynh. Một cách làm khác, Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) công bố đầy đủ danh mục SGK sử dụng trong năm học 2023-2024 ở tất cả khối lớp nhưng không tổ chức bán sách tại trường. Phụ huynh tự tìm mua ở các hệ thống nhà sách hoặc mua trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử. Cá biệt, Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh) công khai danh mục SGK ở tất cả môn học nhưng lưu ý phụ huynh không mua sách hai môn Thể dục và Công nghệ mà chờ giáo viên bộ môn hướng dẫn khi vào năm học.
Nhiều kênh hỗ trợ học sinh
Chia sẻ với PV Báo SGGP, chị Minh Thảo, phụ huynh có con năm nay học lớp 11, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh) cho biết, năm học trước đến giữa tháng 9 - tức sau khai giảng năm học mới một tuần, con chị mới có đủ SGK ở các môn học. Tuy nhiên, việc học của con không bị ảnh hưởng do giáo viên in tài liệu học phát cho học sinh. Tương tự, một phụ huynh có con năm nay lên lớp 8 ở quận 11 bày tỏ, năm nào cũng xảy ra tình trạng khan hiếm SGK các khối lớp triển khai chương trình mới. Để giải quyết tình trạng này, nhà trường hướng dẫn học sinh sử dụng phương án thay thế là SGK điện tử hoặc đăng ký mượn sách dùng chung ở thư viện trong thời gian chờ mua SGK.
Lý giải việc phụ huynh sốt sắng tìm mua SGK, cô Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh), cho biết, nhiều gia đình có thói quen mua sắm sách vở và đồ dùng học tập trong thời gian nghỉ hè để học sinh tranh thủ xem bài học trước khi vào năm học mới. Do đó, hàng năm từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 8, chủ đề “sốt” SGK lại rôm rả trên các diễn đàn, mạng xã hội, đặc biệt với các khối lớp lần đầu tiên triển khai chương trình mới. Chính sự nôn nóng khiến phụ huynh dễ mua nhầm sách kém chất lượng. Mới đây, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cảnh báo tình trạng sách in lậu diễn ra tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Theo đó, sách in lậu là sách do các cá nhân, đơn vị tự sao chụp từ đầu sách thật rồi in lại nên không đảm bảo đầy đủ nội dung, chất lượng hình ảnh minh họa kém, đóng gáy cẩu thả, dễ bị bong rời các trang gây ảnh hưởng việc học của học sinh. Từ thực tế đó, đơn vị này khuyến nghị phụ huynh, học sinh mua SGK ở các cửa hàng, hệ thống phát hành sách của các nhà xuất bản, tránh mua nhầm sách không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT (ngày 30-1-2020) và Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT (ngày 2-8-2020) về hướng dẫn chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, địa phương phải hoàn thành việc chọn SGK chậm nhất 5 tháng trước thời điểm khai giảng năm học mới. Tuy nhiên, tính đến ngày 13-7, cả nước mới có 13/63 tỉnh, thành đăng ký số lượng SGK với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - một trong các đơn vị phát hành SGK năm học này. Việc chậm trễ đăng ký nhu cầu SGK khiến nhà xuất bản bị động trong công tác in ấn và phát hành.