Năm học 2024-2025: Nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên

Trong năm học 2024-2025, nhiều trường đại học (ĐH) công lập và công lập tự chủ tăng học phí theo lộ trình của Nghị định 97/2023/NĐ-CP ngày 31-12-2023 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí... Để giảm gánh nặng học phí cho sinh viên, nhiều trường tăng các chính sách học bổng. Đặc biệt, sinh viên các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại do bão, lũ cũng được các trường dành nhiều chính sách hỗ trợ để an tâm học tập.

Tăng nguồn học bổng

Theo TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM, học phí năm nay của trường với các ngành của chương trình hệ đại trà dao động từ 39,75-54,93 triệu đồng/năm; với các ngành thuộc chương trình chất lượng cao từ 70,5-199,7 triệu đồng/năm. Trong năm học tới, học phí ở các hệ đào tạo sẽ tiếp tục tăng và dao động từ 44,75-219,7 triệu đồng/năm... Cùng với việc tăng học phí theo lộ trình tự chủ, nhà trường cũng xây dựng kế hoạch chăm lo, hỗ trợ người học. Cụ thể, năm 2024, nhà trường trích nguồn thu học phí để lập các quỹ học bổng, quỹ hỗ trợ sinh viên theo quy định lên tới gần 28 tỷ đồng; tăng quỹ phát triển hoạt động khoa học - công nghệ của giảng viên và sinh viên lên mức 20 tỷ đồng.

W1g.jpg
Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) trao học bổng cho sinh viên tại lễ khai giảng

Trong khi đó, TS Thái Doãn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TPHCM, cho biết, năm 2024, học phí của trường điều chỉnh tăng theo lộ trình tự chủ và cũng là năm đầu tiên áp dụng chính sách giảm 50% học phí học kỳ 1 đối với một số ngành kỹ thuật. Bên cạnh đó, nhà trường dành hơn 40 tỷ đồng được trích từ nguồn quỹ học bổng và quỹ hỗ trợ sinh viên để trao học bổng.

Tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, cho hay, học phí của trường trong năm học mới tăng nhẹ, dao động 30-44 triệu đồng, tùy theo ngành đào tạo. Tuy nhiên, kèm theo đó, nhà trường tăng mức học bổng dành cho các sinh viên thuộc diện chính sách và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, từ năm 2024 trở đi, nhà trường miễn, giảm học phí cho nữ sinh viên học các khối ngành kỹ thuật, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên có thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi... Việc giảm học phí này được duy trì trong suốt quá trình học tập nếu sinh viên đạt kết quả học tập từ loại khá trở lên.

ThS Lưu Thị Lan Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh, Trường ĐH Văn Hiến, thông tin, ngoài các chương trình Học bổng tài năng, Học bổng học tập suốt đời, miễn, giảm học phí từ 30%-100%/năm, nhà trường cũng có chính sách học bổng tuyển sinh dành cho nhiều đối tượng thí sinh. Trung tâm Chăm sóc người học của nhà trường sẽ rà soát và hướng dẫn tân sinh viên tiếp cận các chương trình học bổng, như: tân sinh viên từ 26-60 tuổi sẽ được nhà trường miễn, giảm từ 35%-100% học phí cho toàn khóa học; sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện chính sách sẽ được hỗ trợ 70% học phí toàn khóa; sinh viên mồ côi cha hoặc mẹ được hỗ trợ 50% học phí toàn khóa.

Hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng bởi bão, lũ

Nhằm kịp thời hỗ trợ sinh viên các tỉnh, thành phố phía Bắc bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 (Yagi), Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi các trường ĐH, cao đẳng sư phạm về việc tiếp tục hỗ trợ những sinh viên này sớm ổn định việc học tập. Theo đó, Bộ GD-ĐT đề nghị các trường ĐH, cao đẳng sư phạm quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện việc miễn, giảm học phí và có các chế độ hỗ trợ tài chính phù hợp với hoàn cảnh của từng sinh viên; hướng dẫn sinh viên liên hệ với chính quyền địa phương đề nghị xác nhận trường hợp gia đình gặp khó khăn đột xuất về tài chính để vay vốn tín dụng, hỗ trợ việc học tập.

W4c.jpg
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM nhận học bổng

GS-TS Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế TPHCM, cho hay, thấu hiểu, chia sẻ khó khăn cùng người học và gia đình tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai vừa qua, nhà trường đã và đang triển khai chương trình “Học bổng hỗ trợ và giãn thời gian đóng học phí”. Theo đó, nhà trường dành 100 suất học bổng, mỗi suất trị giá 10 triệu đồng, để trao cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc các khóa 47, 48, 49, 50 có hộ khẩu thường trú tại 26 địa phương miền Bắc bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 3, gồm: Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa. Ngoài ra, để hỗ trợ tất cả sinh viên và gia đình thuộc 26 tỉnh, thành phố trên giảm áp lực tài chính trong thời điểm khó khăn hiện tại, nhà trường cho giãn thời gian đóng học phí học kỳ đầu năm học 2025 đến ngày 15-1-2025.

PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Trưởng Ban Tuyên giáo, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM), thông tin, Đảng ủy và Ban Giám đốc ĐHQG TPHCM đã họp và triển khai đến các trường thành viên, ký túc xá ĐHQG TPHCM tiến hành thông báo, khảo sát, thống kê số lượng sinh viên các tỉnh, thành phố phía Bắc bị ảnh hưởng bởi thiên tai để có các chính sách hỗ trợ kịp thời như trao học bổng, miễn, giảm học phí. Ngoài những chính sách chung nói trên, các trường thành viên cũng chủ động đưa ra các chính sách riêng để kịp thời hỗ trợ cho sinh viên.

Trong khi đó, nhiều trường ĐH tại TPHCM cũng dự kiến dành hàng tỷ đồng để hỗ trợ sinh viên các tỉnh, thành phố phía Bắc bị ảnh hưởng bởi bão, lũ. Các chính sách hỗ trợ được triển khai bằng nhiều hình thức, như trao học bổng toàn phần, miễn, giảm từ 30%-50% học phí, giãn thời gian đóng học phí sang đầu năm 2025...

Tin cùng chuyên mục