Năm học 2022-2023: Củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục

Hôm nay 5-9, hơn 23 triệu học sinh cả nước bước vào năm học 2022-2023. Năm học này, Bộ GD-ĐT đề ra chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng GD-ĐT”. 
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn


PGS-TS Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã trao đổi với báo chí một số vấn đề của ngành giáo dục trước thềm năm học mới.

- PHÓNG VIÊN: Thưa Bộ trưởng, năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Ngành giáo dục đã chuẩn bị cho nhiệm vụ quan trọng này như thế nào?

* Bộ trưởng NGUYỄN KIM SƠN: Năm học 2022-2023, ngành giáo dục tiếp tục áp dụng lộ trình đổi mới sách giáo khoa cho lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Để chuẩn bị cho tổ chức dạy học bắt buộc môn Tiếng Anh, Tin học đối với lớp 3 từ năm học 2022-2023, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các địa phương rà soát, chuẩn bị đội ngũ, phương án triển khai 2 môn học bắt buộc này, bảo đảm khi vào năm học mới, tất cả học sinh lớp 3 đều được học Tiếng Anh, Tin học theo đúng yêu cầu của Luật Giáo dục và Chương trình GDPT 2018.

Đối với lớp 10 - lớp đầu tiên triển khai theo tinh thần của Chương trình GDPT 2018 là định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT - Bộ GD-ĐT đã có các chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để địa phương, nhà trường triển khai việc lựa chọn môn học; chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhất là đối với những môn học nghệ thuật lần đầu tiên được đưa vào tổ chức dạy và học.

Lần đổi mới này rất sâu sắc, toàn diện, triệt để và cũng diễn ra rất nhanh. Năm học 2022-2023 và các năm tới sẽ là giai đoạn trọng tâm của quá trình đổi mới, do đó ngành giáo dục rất mong các địa phương sẽ dành sự quan tâm, đầu tư tập trung cho những năm tới đây. Có thể nói, quá trình đổi mới GDPT, Bộ GD-ĐT giống như người thiết kế, còn quá trình “thi công” thành công đến đâu phụ thuộc rất lớn vào địa phương, trong đó đặc biệt là tầm nhìn, cũng như nhận thức, trách nhiệm và tư duy đổi mới. Qua hơn 2 năm dịch bệnh, nhiều địa phương khó khăn về chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhiều nơi học sinh phải “học chay”. Do đó rất cần các địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa, dành sự quan tâm đầu tư cho giáo dục nhiều hơn nữa.

- Thiếu giáo viên luôn là vấn đề bức xúc, vậy năm học mới này, ngành giáo dục đã giải quyết đến đâu, thưa Bộ trưởng?

* Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương năm 2022, bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp. Ngày 18-7-2022, tại Quyết định số 72-QĐ/TW, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn 2022-2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Các địa phương cần thể hiện sự quan tâm và quyết tâm bằng các chỉ đạo cụ thể tại địa phương, để công tác tuyển dụng, sử dụng giáo viên đạt hiệu quả. Về lâu dài, các địa phương cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026; chủ động đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo giáo viên trên cơ sở nhu cầu giáo viên và có chính sách ưu tiên, thu hút trong tuyển dụng để bảo đảm nguồn tuyển dụng theo từng năm.

Muốn đổi mới về phương pháp dạy và học, về kiểm tra, đánh giá thì trước hết đội ngũ giáo viên phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực về cả kiến thức, kỹ năng sư phạm. Chỉ khi nào lực lượng giáo viên thay đổi tích cực, phát triển thì nhiệm vụ đổi mới giáo dục của toàn ngành mới được thực hiện tốt. Để thực hiện thành công đổi mới, cần phải có giải pháp tổng thể. Trong đó, sự nỗ lực, cố gắng và vai trò của các nhà giáo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Năm học 2022-2023: Củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục ảnh 2 Học sinh Trường Tiểu học Bùi Minh Trực, quận 8, TPHCM học trên nền tảng công nghệ thông tin. Ảnh: CAO THĂNG

- Xã hội quan tâm nhiều về vấn đề học phí. Lộ trình tăng học phí đối với các cấp học từ năm học 2022-2023 trở đi sẽ được triển khai ra sao?

* Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã đề xuất lộ trình học phí để trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, nhiều địa phương đã chủ động đưa ra phương án giữ nguyên mức học phí, hoặc miễn học phí bậc THCS cho học sinh từ năm học 2022-2023. Bên cạnh chính sách học phí, Bộ GD-ĐT cũng đã trình Chính phủ phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn để triển khai từ năm học 2022-2023. Nếu được triển khai thực hiện, chính sách này cũng sẽ góp phần giúp giảm gánh nặng kinh tế cho học sinh, phụ huynh, nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa.

- Bộ trưởng chia sẻ, gửi gắm điều gì tới cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên nhân dịp khai giảng năm học mới?

* Năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm của đổi mới. Do đó, đòi hỏi toàn ngành đã cố gắng rồi cần cố gắng hơn nữa, đã nỗ lực rồi cần nỗ lực hơn nữa để vượt qua được những thách thức của quá trình đổi mới, đáp ứng được kỳ vọng của xã hội về chất lượng GD-ĐT, thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân giao cho ngành. Tôi xin ghi nhận, cảm ơn, biểu dương toàn thể giáo viên, các cán bộ quản lý bởi những nỗ lực vượt bậc và những cố gắng phi thường trong năm qua. Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn tới toàn thể các phụ huynh đã đồng hành, ủng hộ, hỗ trợ đối với sự nghiệp giáo dục; ghi nhận sự cố gắng của toàn thể học sinh, sinh viên đã vượt qua những khó khăn để học tập và trưởng thành trong một năm gian khó.

Nếu như năm học 2021-2022 là một năm kiên trì mục tiêu chất lượng, cố gắng hoàn thành kế hoạch năm học thì năm học mới này, mục tiêu đặt ra là củng cố, nâng cao chất lượng và hoàn thành được các nhiệm vụ, mục tiêu đổi mới.

Tin cùng chuyên mục