Ngày 27-8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ ký ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022.
Ưu tiên dạy học trực tuyến đối với các nội dung mang tính lý thuyết
Theo hướng dẫn này, năm học 2021-2022, giáo dục trung học sẽ tập trung triển khai thực hiện 4 nhiệm vụ chủ yếu: bảo đảm an toàn trường học, chủ động, linh hoạt thực hiện chương trình, kế hoạch năm học để ứng phó với diễn biến khó lường của dịch Covid-19; triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 6, tiếp tục thực hiện Chương trình GDPT 2006 đối với các lớp từ lớp 7 đến lớp 12; tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng giáo dục, chú trọng phát triển mạng lưới trường, lớp, đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở (THCS); tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, thực hiện quản trị trường học dân chủ, kỷ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục trung học.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD-ĐT. Trong đó, bảo đảm yêu cầu thực hiện các nội dung cốt lõi, làm cơ sở để chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các nội dung còn lại phù hợp với tình hình phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương. Chủ động về các phương án dạy học trực tuyến và trực tiếp để chuyển đổi linh hoạt, ứng phó kịp thời với các tình huống diễn biến của dịch Covid-19 tại địa phương.
Bộ GD-ĐT lưu ý, ưu tiên dạy học trực tuyến đối với các nội dung mang tính lý thuyết, có thể hướng dẫn học sinh khai thác sử dụng hiệu quả sách giáo khoa để học tập; sẵn sàng phương án để tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, nhất là đối với các nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lý thuyết đã học trực tuyến. Song song đó, thực hiện hiệu quả, chất lượng các hình thức, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá trực tiếp và trực tuyến, bảo đảm hoàn thành chương trình năm học trong các tình huống diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD-ĐT phù hợp với tình hình dịch bệnh
Năm học mới này, lớp 6 sẽ thực hiện theo Chương trình GDPT 2018, do đó bộ yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học xây dựng kế hoạch dạy học bám sát yêu cầu cần đạt theo Chương trình GDPT 2018 để tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến và trực tiếp phù hợp với tình hình phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương. Việc tổ chức dạy học môn Lịch sử và Địa lý, môn Nghệ thuật cần lưu ý bố trí dạy học đồng thời các phân môn Lịch sử, Địa lý, các nội dung Âm nhạc, Mỹ thuật bảo đảm tương đương về thời lượng trong từng học kỳ.
Bên cạnh đó, tổ chức dạy học môn Tin học, Ngoại ngữ 1 theo Chương trình GDPT 2018 đối với những học sinh lớp 6 có khả năng học tập và phù hợp với điều kiện tổ chức thực hiện của nhà trường. Đối với các nhà trường chưa thực hiện dạy môn Tin học, Ngoại ngữ 1 theo Chương trình mới, tiếp tục thực hiện môn Tin học, Ngoại ngữ 1 theo hương trình hiện hành, trong đó lưu ý tăng cường các nội dung bổ trợ theo Chương trình GDPT 2018 để chuẩn bị cho học sinh học các môn học này theo Chương trình GDPT 2018 ở cấp trung học phổ thông.
Đối với các lớp thực hiện theo Chương trình GDPT hiện hành, Bộ GD-ĐT lưu ý tiếp tục xây dựng, hoàn thiện kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương theo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD-ĐT; bảo đảm chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện và hoàn thành chương trình trong điều kiện dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp. Khi xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục, lưu ý tăng cường các nội dung bổ trợ theo Chương trình GDPT 2018, chuẩn bị cho học sinh học theo Chương trình GDPT2018 ở cấp trung học phổ thông.
Về kiểm tra, đánh giá, Bộ GD-ĐT yêu cầu thực hiện việc đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT theo quy định; xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp với kế hoạch dạy học; không kiểm tra, đánh giá những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình GDPT; không kiểm tra, đánh giá đối với các nội dung phải thực hiện tinh giản và các nội dung hướng dẫn học sinh tự học ở nhà theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.
Trong bối cảnh hiện nay, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị, trong năm học 2021-2022, các nhà trường cũng cần chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến theo quy định, bảo đảm chất lượng, chính xác, hiệu quả, công bằng, khách quan, trung thực; đánh giá đúng năng lực của học sinh.