Chiều 2-11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo Quốc hội về việc điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội.
Theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội yêu cầu từ năm học 2018 - 2019 bắt đầu triển khai áp dụng chương trình GDPT và SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, THCS, THPT.
Lộ trình cụ thể: năm học 2018 – 2019, lớp 1, lớp 6 và lớp 10; năm học 2019 – 2020, lớp 2, lớp 7 và lớp 11; năm học 2020 - 2021, lớp 3, lớp 8 và lớp 12; năm học 2021 – 2022, lớp 4 và lớp 9; năm học 2022 - 2023, lớp 5. Đến nay, việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 tuy đã đạt được một số kết quả nhưng còn nhiều hạn chế, bất cập.
Chương trình GDPT mới chưa được ban hành để làm căn cứ biên soạn SGK, thời gian thực tế để hoàn thành việc xây dựng chương trình GDPT mới cần nhiều hơn khoảng 1 năm so với dự kiến; việc chuẩn bị điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất của các cơ sở GDPT trên phạm vi toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn. Nếu triển khai áp dụng chương trình GDPT và SGK mới ngay từ năm học 2018 - 2019 sẽ khó yên tâm về chất lượng.
Đồng thời, nếu theo lộ trình triển khai áp dụng chương trình GDPT và SGK mới như trên thì việc chuẩn bị giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất ở các cơ sở GDPT sẽ gặp nhiều khó khăn, bất cập; trong 3 năm học đầu tiên của lộ trình, mỗi năm học đều phải triển khai chương trình, SGK mới ở 3 lớp thuộc ba cấp học khác nhau, trong khi 2 năm học cuối của lộ trình mỗi năm học chỉ triển khai thêm ở 1 hoặc 2 lớp ở cấp tiểu học…
Vì vậy, để đảm bảo chất lượng, hiệu quả xây dựng và áp dụng chương trình, SGK phổ thông mới, đồng thời tạo sự đồng thuận, yên tâm của xã hội cần điều chỉnh lộ trình triển khai áp dụng chương trình GDPT và SGK mới, Chính phủ trình Quốc hội cho phép triển khai áp dụng chương trình GDPT và SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 -2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020 - 2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021 - 2022.
Lộ trình cụ thể đối với từng lớp như sau: năm học 2019 – 2020, lớp 1; năm học 2020 – 2021, lớp 2 và lớp 6; năm học 2021 – 2022, lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2022 – 2023, lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2023 – 2024, lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Như vậy, so với lộ trình nêu tại Nghị quyết số 88, việc bắt đầu áp dụng chương trình GDPT và SGK mới ở cấp tiểu học chậm 1 năm, ở cấp trung học cơ sở chậm 2 năm và ở cấp trung học phổ thông chậm 3 năm. Không triển khai đồng thời ở lớp đầu của cả ba cấp học như quy định tại Nghị quyết 88. Tuy nhiên, việc áp dụng vẫn bám sát yêu cầu của Nghị quyết số 88 là triển khai theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học và sau 5 năm thì tất cả các lớp trên phạm vi cả nước đều thực hiện chương trình GDPT và SGK mới.
Chính phủ cho rằng, việc lùi triển khai này sẽ có thêm thời gian dành cho việc biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các chương trình môn học, hoạt động giáo dục; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm SGK mới; bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở GDPT đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, SGK phổ thông; đào tạo giáo viên dạy các môn học mới, chưa có trong chương trình hiện hành... Đồng thời, tạo yên tâm cho xã hội; cho giáo viên; phụ huynh, học sinh; tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng biên soạn SGK, góp phần thực hiện tốt chủ trương một chương trình, nhiều SGK.
“Kinh phí thực hiện xây dựng, biên soạn chương trình GDPT và SGK theo lộ trình đã điều chỉnh cũng không phát sinh do thời gian để tất cả các lớp trên phạm vi cả nước thực hiện chương trình GDPT và SGK mới vẫn là 5 năm. Phương án mới sẽ có nhiều thời gian hơn để địa phương rà soát, sắp xếp, điều chỉnh và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; ưu tiên ngân sách địa phương và tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư bổ sung cơ sở vật chất của các cơ sở GDPT bảo đảm đồng bộ, đồng tốc với lộ trình triển khai áp dụng chương trình, SGK mới”, Chính phủ nêu rõ.
Thẩm tra tờ trình này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, thực hiện Nghị quyết 88, việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình mới còn chậm, chưa bảo đảm theo lộ trình và tiến độ đặt ra. Riêng việc ban hành chương trình tổng thể đã chậm hơn 1 năm so với kế hoạch. Chương trình các môn học vẫn chưa hoàn thiện nên chưa có cơ sở để biên soạn, thẩm định, thực nghiệm SGK và để thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên... Đặc biệt là sự chậm trễ trong việc chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, mặc dù các nội dung này đã được xác định rất rõ trong Nghị quyết 88. Nội dung kinh phí cũng chưa được xác định đầy đủ, chủ yếu mới tính toán được kinh phí phục vụ các hoạt động ở cấp trung ương, chưa rõ kinh phí của địa phương; nhiều tỉnh sẽ gặp khó khăn trong việc bố trí ngân sách để thực hiện chương trình GDPT mới…
Vì vậy, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết phải lùi thời gian bắt đầu áp dụng chương trình, SGK phổ thông mới để có điều kiện chuẩn bị tốt nhất, bảo đảm tính khả thi và chất lượng khi thực hiện chương trình; tránh lặp lại những hạn chế, bất cập do việc triển khai thiếu đồng bộ như đã xảy ra khi thực hiện đổi mới chương trình GDPT theo Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội. Tuy nhiên, Ủy ban cần làm rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc tổ chức xây dựng và hoàn thiện chương trình, SGK phổ thông; không tăng kinh phí thực hiện đề án.
Theo Ủy ban cho biết, khi thẩm tra tờ trình, một số ý kiến còn đặt vấn đề: lùi 1 năm đã bảo đảm đủ để chuẩn bị chưa, hay phải lùi thêm nữa?