Trong năm Đền ơn đáp nghĩa năm 2017, việc giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng đang tồn đọng được đẩy mạnh với mục tiêu: tất cả người có công với cách mạng đều được công nhận và hưởng chính sách ưu đãi.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết TP đã thành lập tổ xác minh gồm đại diện Sở LĐTB-XH, Bộ Tư lệnh TP và các sở, ngành, đoàn thể liên quan. Tổ xác minh sẽ làm rõ những vấn đề mà trong hồ sơ tồn đọng còn chưa rõ hoặc mâu thuẫn, nhằm củng cố cơ sở xác nhận hoặc không xác nhận là người có công và sẽ trực tiếp gặp cả những người xác nhận, người làm chứng trong hồ sơ để xác minh, làm rõ, tránh tình trạng vì nể nang mà “xác nhận, làm chứng giùm”.
Về những đối tượng được giải quyết đợt này, theo ông Lê Minh Tấn, trọng tâm là hồ sơ tồn đọng đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Bên cạnh đó, TPHCM mở rộng giải quyết cả hồ sơ người hoạt động cách mạng, kháng chiến bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ; hồ sơ người có công giúp đỡ cách mạng, Thanh niên xung phong trong thời kỳ kháng chiến. Nhằm đảm bảo minh bạch, công khai trong giải quyết hồ sơ, ông Lê Minh Tấn cho biết, các hồ sơ đều phải lấy ý kiến của nhân dân, đặc biệt là các đồng chí lão thành cách mạng, những người đã từng tham gia kháng chiến tại địa phương. Hồ sơ cũng phải được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, phường tối thiểu 15 ngày để người dân góp ý.
Cả nước hiện còn tồn đọng khá lớn hồ sơ đề nghị công nhận là người có công với cách mạng. Dự kiến, từ nay tới 27-7, Bộ LĐTB-XH sẽ giải quyết hồ sơ tồn đọng của 1.872 người đề nghị công nhận là liệt sĩ và 2.612 người đề nghị công nhận là thương binh. Trước phản ánh còn khoảng 15.300 người hoạt động cách mạng, kháng chiến bị địch bắt tù, đày chưa được quan tâm giải quyết chính sách có công, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung chỉ đạo, các địa phương cần trao đổi với Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù, đày để cập nhật tình trạng tồn đọng. Các tỉnh, thành phải bổ sung hồ sơ tồn đọng của người tù kháng chiến vào diện xem xét, giải quyết hồ sơ tồn đọng trong năm nay, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ.
Nhược điểm trong việc giải quyết hồ sơ tồn đọng hiện nay, theo ông Huỳnh Văn Tí, Tổ trưởng Tổ công tác xác nhận hồ sơ người có công tồn đọng của Trung ương, là việc xác lập hồ sơ ở nhiều tỉnh, thành vẫn chưa chặt chẽ, thiếu chuẩn xác. Cán bộ giải quyết tập trung nhiều vào thủ tục hành chính mà chưa coi trọng đúng mức đến việc đánh giá các yếu tố thể hiện trong hồ sơ. Nhiều tỉnh, thành hồ sơ chưa được giải quyết lẽ ra phải được xem xét, giải quyết kịp thời theo quy định hiện hành nhưng lại bị xếp vào hồ sơ tồn đọng!
“Hồ sơ người có công tồn đọng nếu không quan tâm, không tập trung giải quyết thì chúng ta có tội với người dân, có tội với người đã hy sinh”, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung chia sẻ. Tuy đặt ra mục tiêu trong năm 2017 sẽ giải quyết cơ bản hồ sơ người có công với cách mạng đang tồn đọng, song Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Không phải đây là đợt giải quyết hồ sơ tồn đọng lần cuối cùng. Cán bộ giải quyết hồ sơ cần xác định như vậy, tránh hiểu nhầm dẫn đến “quét vô giải quyết lần cuối”, rồi có cơ hội cho đối tượng trà trộn hồ sơ giả; hoặc hiểu nhầm dẫn đến “khóa sổ”, không giải quyết tiếp, dù có trường hợp phát sinh”.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu cho biết, trong năm 2017, TP phấn đấu giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng. Việc xem xét được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc. Đồng thời, TP tích cực tìm kiếm, khai thác mọi nguồn thông tin, mọi căn cứ để làm cơ sở xác nhận người có công. Cụ thể, từ các loại giấy tờ, sổ sách lưu trữ, lịch sử Đảng bộ, đến cả kỷ yếu, văn bản, thư từ, nhật ký của cơ quan, đơn vị và cá nhân trong thời kỳ kháng chiến… Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh: “Việc xem xét, giải quyết hồ sơ tồn đọng là trách nhiệm trước hết và chủ yếu của các địa phương”.