Bộ sưu tập hiện vật độc đáo và duy nhất
Bộ Công đúc Cửu đỉnh bằng đồng tại kinh đô Huế vào năm 1835 dưới thời vua Minh Mạng. Việc đúc và sau đó gia công hoàn chỉnh mất 15 tháng, đến tháng Giêng năm Minh Mạng XVIII (1837) hoàn thành. Công trình này hiện đặt thành hàng ngang trước sân Thế Miếu, nơi thờ các vua triều Nguyễn trong Đại nội Huế. Mỗi đỉnh đối diện với một gian thờ trong tòa miếu. Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, qua nghiên cứu đối chiếu với các nền văn hóa ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... thì bộ Cửu đỉnh triều Nguyễn là độc bản. Quanh hông các đỉnh đồng đúc nổi 153 cảnh vật, phân bố theo biểu đồ chung và được chia làm 3 hàng ngang, mỗi hàng một chủng loại. Bằng kỹ thuật khắc nổi vừa phải, các họa tiết hoa văn trên Cửu đỉnh tuy trang trí mặt ngoài, thể hiện khái quát nhưng súc tích sự phong phú và đa dạng của các cảnh vật tạo nên sự giàu đẹp của Tổ quốc, bao gồm núi sông, lãnh hải, cửa biển, cửa ải, động vật, thực vật, binh khí, xe thuyền... nhưng không lặp lại quy luật mà là một tác phẩm điêu khắc độc lập, tạo ra nhịp điệu uyển chuyển.
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng, đối chiếu các tiêu chí của UNESCO về di sản tư liệu, Cửu đỉnh hoàn toàn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về ý nghĩa lịch sử; hình thức và kiểu dáng; ý nghĩa xã hội; tính cộng đồng và tinh thần; tính độc đáo, hiếm có; tình trạng toàn vẹn, đầy đủ... Có thể khẳng định, Cửu đỉnh là bộ sưu tập hiện vật độc đáo và duy nhất không chỉ của Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới. Cửu đỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia ngay trong đợt đầu tiên (ngày 1-1-2012), và tỉnh Thừa Thiên - Huế rất tự tin khi chọn bảo vật này để xây dựng hồ sơ, trình Ủy ban Di sản ký ức thế giới của UNESCO.
Hổ trên Cửu đỉnh
Cả 9 đỉnh (Cửu đỉnh) đều có dáng chung giống nhau: bầu tròn, cổ thắt, miệng loe, trên miệng có 2 quai, dưới bầu có 3 chân. Bên cạnh nét tương đồng, sự đồng điệu về phong cách thể hiện thống nhất của vương triều Nguyễn do vua Minh Mạng sắc lệnh thi hành, thì mỗi đỉnh có nét riêng, tạo ra các điểm nhấn thú vị. Chẳng hạn, cũng là quai đỉnh hình chữ U úp, nhưng đáy của nó ở Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Dụ đỉnh và Huyền đỉnh thì vuông góc, còn ở các đỉnh khác lại uốn cong. Mặt quai tùy đỉnh mà bện thừng, cong vỏ măng, cong lòng máng, phẳng bẹt hay có gờ, triện hoặc để trơn.
Phần lớn cổ các đỉnh có hình lòng máng, nhưng ở Cao đỉnh, Dụ đỉnh lại để thẳng. Vành miệng Thuần đỉnh, Dụ đỉnh và Huyền đỉnh đều cong nửa vỏ măng, còn ở các đỉnh khác lại thẳng đứng với gờ vuông. Vai nhiều đỉnh có gờ đơn hoặc gờ kép, nhưng một số đỉnh để trơn. Đáy bầu đỉnh phần lớn cong một phần của khối cầu, nhưng ở một số đỉnh khác lại bằng và hơi lõm lên. Chỉ có chân Dụ đỉnh là được tạo đáy thẳng hơi chếch, còn ở các đỉnh khác đều cong dạng chân quỳ. Tất cả các loại cảnh vật khắc nổi trên Cửu đỉnh đều được chọn lọc và sắp xếp theo con số 9 (9 ngọn núi lớn, 9 con sông, 9 loài chim, 9 linh vật…). Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu lý giải, người xưa xem số 9 là số nhiều, đầy đủ nhất đến mức hoàn tất, để rồi sang số 10 sẽ trở lại từ đầu theo một chu kỳ mới. Là một lịch đại đầy đủ.
Cũng theo nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, Cao đỉnh khắc các hình: Mặt trời, Biển Đông, núi Thiên Tôn, sông Ngưu Chữ, sông Vĩnh Tế, chim trĩ, hổ, ba ba, rồng, hoa tử vi, quả mít, hạt thóc tẻ, trầm hương, gỗ thiết, cây hành, thuyền nhiều dây, súng lớn. Hổ, tục danh con cọp, còn gọi con hùm, là động vật hoang dã ăn thịt, thuộc họ mèo; dân gian kiêng tránh thường gọi là ông ba mươi, là khái. Thời quân chủ, các vị tướng đứng đầu quan võ cầm quân ra trận, bậc tướng soái được cấp “hổ phù” để điều binh khiển tướng, thể hiện uy quyền, sức mạnh của bậc chủ soái. Hổ dù có sức mạnh, nhưng con người vẫn đủ bản lĩnh để thuần hóa được chúng, nhiều con hổ trở thành “diễn viên” làm các tiết mục xiếc. Trong 12 con giáp, hổ (dần) được xếp đứng hàng thứ 3 của địa chi. Hổ có tính hay quên, nên không thù dai. Cổ nhân thường bảo: Người cầm tinh hổ, tính hay nóng nảy, ra cửa đụng phải ngọn lá thì mọi chuyện quên ngay. E chỉ là câu nói phỏng mà thôi.