Hội nhập thành công
Vào thời điểm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, Việt Nam gia nhập ASEAN và tham gia ngay vào lộ trình giảm thuế quan của khu vực mậu dịch tự do (ASEAN- AFTA), thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan (CEPT) và tiến tới Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Nhìn lại thời điểm đó, nền kinh tế Việt Nam còn rất yếu kém, khoảng cách phát triển giữa nước ta và các nước ASEAN khác có sự chênh lệch, nhất là so với ASEAN-6 (gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore và Brunei).
Lúc bấy giờ mặc dù có sự ưu đãi lộ trình cắt giảm thuế quan, nhưng từ năm 1999, chúng ta đã bắt đầu lộ trình cắt giảm thuế, để tiến tới việc hoàn thành cắt giảm thuế và hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015. Đây là một quá trình có thể nói Việt Nam phải vượt qua thách thức về trình độ phát triển, về năng suất, đặc biệt là về cơ cấu kinh tế và quá trình mới bắt đầu mở cửa kinh tế trong nước và nước ngoài (một giai đoạn rất phôi thai của kinh tế thị trường).
Về vấn đề thể chế, có thể nói rằng chúng ta mới bắt đầu xây dựng hệ thống pháp luật để vận hành kinh tế thị trường. Thời điểm đó có nhiều nghi ngại chúng ta sẽ bị tràn ngập hàng hóa của các nước ASEAN, sẽ thất bại từ sân nhà do không cạnh tranh được. Tuy nhiên từ năm 1996, Việt Nam đã có chủ trương chủ động và tích cực hội nhập, trước mắt là hội nhập thành công với các nước ASEAN.
Nay nhìn lại, dĩ nhiên so với những nước phát triển trước như ASEAN-4 Việt Nam chưa đạt được, nhưng khoảng cách chênh lệch giữa Việt Nam với các nước ASEAN phát triển cũng đã rút ngắn trên nhiều mặt. Trên sân chơi này, doanh nghiệp Việt Nam cũng không quá yếu kém và không phải để mất hoàn toàn sân nhà. Dĩ nhiên có những mặt chưa thành công, nhất là xét trên mặt thương mại, đầu tư, nhưng nhìn chung đã có những điểm tích cực cho thương mại Việt Nam. Việt Nam không phải là một thị trường tiêu thụ cho ASEAN, mà đã có một mối tương quan ngang ngửa với nhau trên thương trường, khả năng cạnh tranh.
Phát huy lợi thế riêng
Trên một số mặt có thể nói Việt Nam và một số nước ASEAN có cơ cấu kinh tế tương đồng, như dựa vào lợi thế nông sản, nguồn lao động dồi dào giá rẻ, một số nước có hệ thống nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, kinh tế biển giống nhau…
Tuy nhiên, mỗi quốc gia và Việt Nam đều có lợi thế riêng. Đơn cử tiềm năng về du lịch, một số nước ASEAN cũng có du lịch biển như Thái Lan, Indonesia… nhưng thực sự thế mạnh về du lịch biển đảo của Việt Nam hoàn toàn khác và có ưu thế nếu như chúng ta khai thác tốt. Hay cũng là tiềm năng nông nghiệp như các nước, nhưng nông nghiệp Việt Nam có những thế mạnh riêng như sản xuất lúa gạo, trái cây và đang đi vào nông nghiệp công nghệ cao...
Việt Nam có thể là một trong những nòng cốt để hình thành mối liên kết kinh tế của khu vực ASEAN, mặt khác có thể hình thành vùng đô thị lớn, các đô thị cạnh tranh nhau. Thí dụ TPHCM từ năm 2002, Bộ Chính trị đã khẳng định phải vươn lên ngang tầm với các đô thị lớn trong khu vực ASEAN. Tức có hợp tác, có cạnh tranh nhưng nếu biết khai thác lợi thế riêng thì kinh tế trong khu vực không phải đối chọi nhau, mà sẽ cùng phát triển thế mạnh riêng của mình.
Nguyên tắc của ASEAN là đồng thuận, có nghĩa không phải biểu quyết theo đa số mà các quốc gia phải đồng thuận về những vấn đề thông qua Nghị quyết từ tuyên bố chung cho đến các Nghị quyết của ASEAN. Do đó vai trò của Chủ tịch ASEAN có nhiều việc phải làm. Uy tín của một nước chủ tịch để thuyết phục những nước xung quanh thực hiện nhiệm vụ của ASEAN một cách đồng thuận với nhau là vấn đề vừa khó khăn, vừa vinh dự của quốc gia.
Một trong những liên kết hiện nay đang nóng là Hiệp định đối tác toàn diện khu vực gồm 10 nước ASEAN và 6 quốc gia khác gồm Australia, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc (RCEP). Hiện nay Hiệp định này đang đàm phán đến giai đoạn cuối cùng để kết thúc. Đây có thể nói là một dạng hiệp định thương mại tự do (FTA) mở rộng với dân số 3,5 tỷ người, chiếm 47,4% dân số thế giới, và vùng này chiếm 30% GDP của thế giới.
Một Hiệp định thương mại tự do trên một địa bàn khá lớn và gồm những quốc gia lớn: 2 quốc gia có dân số đứng nhất nhì thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ; 2 quốc gia tương đối mạnh ở khu vực Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc; phía Nam bán cầu có Australia, New Zealand.
Có người kỳ vọng đây là một đối trọng của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), song tôi nghĩ rằng không phải đối trọng mà là bổ sung đối với khu vực này và hình thành một thị trường rất lớn, tạo dư địa rất lớn nhưng cũng là những thách thức mới.
RCEP là một điểm rất quan trọng, kỳ vọng cũng như triển vọng và thách thức để Việt Nam trở thành một nền kinh tế tham gia tương đối đầy đủ trên các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh.
ASEAN không phải là vùng trũng nữa, mà là vùng kinh tế động lực phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và của thế giới trong tương lai. Và năm 2020 Việt Nam là Chủ tịch ASEAN có một vai trò mang ý nghĩa rất quan trọng. |