Theo báo cáo cập nhật cảnh báo tình hình thời tiết - thiên tai trên địa bàn cả nước từ tháng 9-2021 đến tháng 2-2022 do Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia đưa ra, năm nay, mùa lũ trên sông Mê Công sẽ đến muộn so với mọi năm. Đỉnh lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long dao động ở mức báo động 1 và xuất hiện vào giữa tháng 10; còn đỉnh lũ tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long ở mức báo động 2-3, nên vẫn có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, ven sông, đặc biệt tại TP Cần Thơ và Vĩnh Long.
Trong mùa khô 2021-2022, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về hạ lưu có khả năng thấp hơn trung bình thời kỳ 2012-2020 từ 5-10%. Do đó, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đến sớm và cao hơn trung bình mọi năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô 2019-2020.
Từ tháng 10-2021 đến tháng 12-2021, tại khu vực ven biển Nam bộ sẽ xuất hiện 3 đợt triều cường ở mức cao. Đợt 1 từ ngày 8-10 đến 10-10, đợt 2 từ ngày 5-11 đến 9-11 và đợt 3 từ ngày 2-12 đến 8-12. Các đợt triều cường này có thể gây ngập lụt tại vùng trũng thấp ven biển Đông Nam bộ và khu vực TPHCM nếu thời gian xuất hiện đỉnh triều cường trùng với thời kỳ có không khí lạnh cường độ mạnh lấn sâu xuống cùng biển phía Nam.
Riêng đợt triều cường tháng 11-2021 và tháng 12-2021 có thể là đợt triều cường cao nhất năm 2021 và duy trì nhiều ngày (khoảng 1 tuần). Do thời gian xuất hiện vào chiều tối (khoảng 15-18 giờ) nên có khả năng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Theo cơ quan cảnh báo thiên tai, cần đề phòng các đợt mưa lớn tập trung trong các tháng 10, 11 và nửa đầu tháng 12-2021 ở các tỉnh Trung Trung bộ và Nam Trung bộ, nhưng năm nay, khả năng xảy ra mưa đặc biệt lớn và dồn dập như năm 2020 là thấp. Không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm từ cuối tháng 9 và đầu tháng 10-2021, các đợt rét đậm, rét hại trong mùa đông tới có thể xảy ra sớm, tập trung nhiều từ khoảng giữa tháng 12-2021 cho đến tháng 2-2022. |