Nam bộ kháng chiến: Đem máu xương thực hiện lời thề độc lập

Ngày 21-11, Bộ Quốc phòng phối hợp với Thành ủy TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Nam bộ kháng chiến - Ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử”.

Đến dự có các đồng chí: Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước; Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM…

Mốc son chói lọi

Phát biểu tại hội thảo, Trung tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh, hội thảo này là hoạt động thiết thực kỷ niệm 75 năm ngày Nam bộ kháng chiến. Đây cũng là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh, đặc biệt là của “Nam bộ thành đồng Tổ quốc”.

Nam bộ kháng chiến: Đem máu xương thực hiện lời thề độc lập ảnh 1 Hội thảo khoa học “Nam bộ kháng chiến - Ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử”. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Theo Trung tướng Nguyễn Tân Cương, kết quả của hội thảo sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí bảo vệ nền độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đồng thời giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc, toàn diện, đầy đủ hơn về tầm vóc, giá trị lịch sử và hiện thực của 15 tháng kháng chiến ở Nam bộ. Thông qua đó sẽ đúc rút những kinh nghiệm và bài học lịch sử quý để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Trần Lưu Quang cũng khẳng định, 75 năm đã trôi qua nhưng chiến công vang dội của quân và dân Nam bộ trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược còn sống mãi và ghi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi. Từ hội thảo khoa học này, TPHCM sẽ tiếp thu được nhiều nội dung sâu sắc, nâng cao nhận thức về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh, khát vọng độc lập, tự do của miền Nam “đi trước về sau”; sự ủng hộ của cả nước luôn hướng về miền Nam ruột thịt. 

Nam bộ kháng chiến: Đem máu xương thực hiện lời thề độc lập ảnh 2 Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang phát biểu tại hội thảo. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, thay mặt Ban Chỉ đạo hội thảo trình bày báo cáo đề dẫn, nhấn mạnh, sự kiện Nam bộ kháng chiến ngày 23-9-1945 là trang sử oanh liệt mở đầu công cuộc chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. 75 năm đã trôi qua, trang sử “Nam bộ kháng chiến” đã hòa chung với chiến công hiển hách của quân và dân ta, đánh thắng 2 đế quốc là Pháp và Mỹ, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất đất nước.

Những điều kỳ diệu

Nhiều tham luận trình bày tại hội thảo đã làm cả hội trường lặng đi vì xúc động trước tinh thần đấu tranh hào hùng, quật khởi của thế hệ cha ông. PGS.TS Hà Minh Hồng, Hội Khoa học Lịch sử TPHCM kể lại, trong buổi chiều mừng Lễ Độc lập (2-9-1945) đã có 47 người ngã xuống, mở đầu thử thách mới trong việc giữ gìn nền tự do, độc lập.

Khi tiếng súng trở lại xâm lược của thực dân Pháp nổ ran, sáng 23-9-1945, Xứ ủy và UBND Nam bộ triệu tập hội nghị khẩn cấp, tại căn nhà trên đường Cây Mai - Chợ Lớn (nay là đường Nguyễn Trãi). Bên ngoài hội nghị, nhiều người tụ tập chờ đợi quyết định của những người lãnh đạo có trọng trách trước lịch sử.

Khi ấy có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau, một bên chủ trương phát động đình công, bãi thị, bất hợp tác chờ lệnh của Trung ương. Một bên chủ trương phát động ngay cuộc kháng chiến chống Pháp. 

Sau hơn 3 tiếng tranh luận căng thẳng, gay gắt, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Trần Văn Giàu đưa ra ý kiến cuối cùng với “tay nắm chặt dằn xuống bàn”: “Tướng biên cương phải biết tự quyết định theo đường lối bảo vệ đất nước mình… Tôi quyết định đánh! Đánh lại ngay. Tôi xin trình với hội nghị lời kêu gọi kháng chiến sau đây của Ủy ban Kháng chiến”.

Lời kêu gọi nghe như lệnh truyền: “Ngày 2-9, đồng bào đã thề quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập của Tổ quốc: “Độc lập hay là chết!”. Hôm nay, Ủy ban Kháng chiến kêu gọi: Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai gái, hãy cầm võ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược”.

Chưa đầy 10 giờ sáng ngày 23-9-1945, hàng chục xe hơi, hàng trăm xe đạp, hàng nghìn đồng bào đua nhau phát lời kêu gọi kháng chiến.

Theo PGS.TS Hà Minh Hồng, Nam bộ kháng chiến đã tạo ra tiền lệ mới trong ứng phó với kẻ thù, buộc chúng bộc lộ tất cả âm mưu, thủ đoạn chiến tranh xâm lược hòng lập lại chế độ thuộc địa. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đánh giá: “Đó là những người dân đầu tiên của đất nước tự do đã đem xương máu thực hiện lời thề trong Ngày Độc lập”.

Cuộc kháng chiến của nhân dân Nam bộ đã bắt đầu như thế. 

Đến dự hội thảo với tư cách một nhân chứng lịch sử, ông Võ Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Nam bộ, nay đã 93 tuổi, từng là thư ký của Bộ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm, Đại sứ làm nhiệm vụ tại nhiều nước như Cuba, Zimbabwe, Nam Tư, Hy Lạp…

Nam bộ kháng chiến: Đem máu xương thực hiện lời thề độc lập ảnh 3 Ông Võ Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Nam bộ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Ông chia sẻ trước hội thảo, đã 75 năm trôi qua kể từ “Mùa thu rồi, ngày hăm ba…” năm 1945 lịch sử, nhưng ký ức của một trong những thanh niên Nam bộ đi theo “tiếng kêu sơn hà nguy biến” những ngày đầu kháng chiến chống Pháp vẫn còn nguyên vẹn trong ông. Là người trong cuộc, trực tiếp tham gia các sự kiện lịch sử, có những điều mà ông cho là kỳ diệu.

Đó là việc ta đã tương kế tựu kế, thành lập Thanh niên Tiền phong ngày 1-6-1945, với hơn 25.000 thành viên quỳ gối tuyên thệ: “Tôi luôn hết lòng hy sinh cho Tổ quốc!”.

Đó là việc trung lập hóa quân Nhật và quyết định ngày khởi nghĩa vào tháng 8-1945. Tổng khởi nghĩa thắng lợi sớm hơn kế hoạch 2 giờ, mít tinh rầm rộ chào mừng. Ta đón quân đồng minh trong tư thế một nước độc lập, rồi sau đó quyết định kháng chiến.

Ông Võ Anh Tuấn dẫn lại bức điện của Bác Hồ đề ngày 26-9-1945: “Hỡi đồng bào Nam Bộ, lòng cương quyết dũng cảm của nhân dân Nam Bộ chống lại quân xâm lược của Pháp chẳng những làm cho đồng bào toàn quốc cảm phục, mà đã chứng tỏ cho thế giới đều biết cái quyết tâm độc lập của nhân dân Việt Nam...”

Cổ vũ công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước

Tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM, cũng trình bày tham luận về lực lượng vũ trang Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định tiến công, bao vây kìm chân địch trong những ngày Nam bộ kháng chiến. Đại tá-TS Nguyễn Văn Việt, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử công an, Bộ Công an, trình bày tham luận “Quốc gia tự vệ cuộc” trong năm đầu kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ.

GS.TS Võ Văn Sen, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH và NV (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, Nam bộ kháng chiến hội tụ hào khí Đồng Nai - Bến Nghé - Cửu Long. Hào khí Nam bộ thể hiện rõ qua tính cách hào hiệp, bao dung, “trọng nghĩa khinh tài”, bản lĩnh, linh hoạt, thông minh, mưu trí, ham tìm tòi, sáng tạo; không chỉ “dám đánh” mà còn “biết đánh” một cách hiệu quả, sáng tạo ra nhiều phương pháp tác chiến, chiến thuật quân sự, vũ khí tự tạo… đóng góp cho cuộc kháng chiến chung chiến thắng kẻ thù.

Nam bộ kháng chiến: Đem máu xương thực hiện lời thề độc lập ảnh 4 GS.TS Võ Văn Sen, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH và NV (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
“Nam bộ với sứ mệnh “đi trước”, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã hoàn thành nhiệm vụ bằng cách phát huy hào khí Việt Nam ở vùng đất mới. Đó là hào khí Đồng Nai - Bến Nghé - Cửu Long, mở đầu và tạo tiền đề hết sức quan trọng cho cả nước bước vào Toàn quốc kháng chiến, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu, thể hiện nét độc đáo, sáng tạo về chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh”, GS.TS Võ Văn Sen đúc kết.

Ban Tổ chức hội thảo cho biết, đã nhận được gần 90 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM; các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các địa phương; các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội… Nội dung tập trung chủ yếu vào bối cảnh lịch sử, nguyên nhân chiến tranh...; khẳng định Nam bộ kháng chiến thể hiện tinh thần chủ động sáng tạo, quyết đoán của Xứ ủy Nam bộ, đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nam bộ kháng chiến: Đem máu xương thực hiện lời thề độc lập ảnh 5 Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Ngoài ra, các tham luận cũng nhấn mạnh, Nam bộ kháng chiến khẳng định ý chí, quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do, tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân ta; biểu hiện tinh thần dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Nam bộ kháng chiến có ý nghĩa lịch sử và giá trị tinh thần to lớn, để lại nhiều bài học quý trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Báo cáo tổng thuật, Thiếu tướng - TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam khẳng định, tinh thần chiến đấu quật cường, truyền thống đoàn kết của toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thách thức được khơi dậy và phát huy trong Nam bộ kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị. Đó sẽ là động lực to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đồng tâm nhất trí, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục thắp sáng ngọn lửa ngày Nam bộ kháng chiến năm xưa trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước hiện nay.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nhưng nhân dân Nam bộ hưởng niềm vui thanh bình chưa được bao lâu thì Pháp theo chân quân đồng minh quay lại Sài Gòn, dùng vũ lực hòng xóa đi thành quả cách mạng, tái lập chế độ thuộc địa ở nước ta.

Đêm 22 rạng sáng 23-9-1945, khi thực dân Pháp được sự trợ giúp của quân Anh nổ súng tiến công các vị trí của chính quyền cách mạng, tiếng súng đáp trả của quân và dân ta cũng lập tức nổ vang khắp nơi. Với tinh thần, ý chí “độc lập hay là chết”, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn nói riêng, Nam bộ nói chung đã dũng cảm xông ra trận tiền, dẫu trong tay chỉ có gậy tầm vông, giáo mác…

Hơn một năm tiến hành kháng chiến, từ ngày 23-9-1945 đến khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19-12-1946), trên chiến trường Nam bộ, ta đã từng bước thống nhất hệ thống tổ chức Đảng, lực lượng vũ trang, chính quyền và các đoàn thể cách mạng. Cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam hết sức gay go, quyết liệt. Tuy không thể ngăn được địch mở rộng đánh chiếm, nhưng cuộc chiến đấu của quân dân Nam bộ, Nam Trung bộ đã bước đầu làm thất bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị lực lượng mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược.


Tinh thần Nam bộ kháng chiến luôn đi cùng sự nghiệp xây dựng và phát triển TPHCM

Từ “Nam bộ kháng chiến” đến “Toàn quốc kháng chiến” đã thể hiện một chặng đường vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, xứng đáng với danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc” mà Bác Hồ tặng quân và dân Nam bộ. Nhân dịp 100 ngày kháng chiến toàn quốc, Người cũng khen ngợi: “Sự anh dũng của đồng bào trong đó đã làm gương cho đồng bào toàn quốc noi theo. Chúng ta đồng tâm hiệp lực, không sợ gian nan, kiên quyết đấu tranh đến cùng, thì trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, thống nhất, độc lập nhất định thành công”.

Nam bộ kháng chiến: Đem máu xương thực hiện lời thề độc lập ảnh 6 Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Tiếp nối truyền thống yêu nước, kế thừa những bài học kinh nghiệm lịch sử, Đảng bộ và nhân dân TPHCM chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thử thách, cùng cả nước làm nên những thành quả to lớn có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Tinh thần Nam bộ kháng chiến luôn đi cùng với sự nghiệp xây dựng và phát triển TPHCM và mai sau.

Ông PHAN NGUYỄN NHƯ KHUÊ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

Tin cùng chuyên mục