(SGGP).- “Trong vài ngày tới, lượng mưa, dông ở Nam bộ giảm dần, nhưng thời tiết ở các tỉnh ven biển như TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang… vẫn xấu. Mưa đá có thể xuất hiện cục bộ tại một vùng nào đó và đường kính dưới 2cm”, Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Phó Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ cho biết.
Theo bà Lan, những ngày gần đây gió mùa Tây Nam (mang hơi nước) mạnh lên, cộng thêm một nhiễu động không khí trên biển đã khiến cho mây dông phát triển mạnh và có chứa những tinh thể đá. Trong điều kiện thời tiết xấu, dông lớn, các tinh thể đá này rơi xuống theo phương thẳng đứng làm xuất hiện mưa đá.
“Hiện tượng mưa dông làm gãy đổ cây đã xuất hiện tại Nam bộ từ mấy ngày trước, nhưng mưa dông lớn nhất là vào ngày 22-7 đồng thời có nơi có mưa đá ở dạng nhỏ, hạt mưa lớn bằng đầu ngón tay”, bà Lan nói.
Được biết, tại khu vực miền Trung, miền Bắc nước ta từng có mưa đá với hạt mưa lớn bằng quả chanh, gây thiệt hại nặng với cây trồng và hoa màu. Tuy nhiên, theo bà Lan, ở Nam bộ, hạt mưa đá lớn nhất ghi nhận được là vào năm 2004: hạt mưa được người dân nhặt và cất giữ lớn bằng trái tắc (quất).
Minh Tú