Các FTA tiêu biểu như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA - có hiệu lực từ ngày 1-8-2020), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA - thực thi vào đầu năm 2021), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP - vừa được ký kết vào tháng 11-2020)… Theo nhiều chuyên gia, RCEP là tiềm năng nhất, bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký FTA là Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và New Zealand.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, RCEP giúp nông sản Việt bước vào một thị trường rộng lớn gồm 15 nước thành viên, chiếm gần 30% dân số thế giới với 2,2 tỷ người. Xuất khẩu vào khối này, hàng Việt có lợi thế là khoảng cách địa lý của các nước nội khối không quá xa nên chi phí logistics thấp, hoạt động vận chuyển hàng dễ dàng hơn so với các thị trường khác như Mỹ, châu Âu…
Thế nhưng, khách quan nhìn nhận, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt vẫn chưa nắm bắt được các cơ hội do các FTA mang lại. Ví dụ, EVFTA đã thực thi hơn 5 tháng, nhưng nhiều sản phẩm của Việt Nam vẫn chưa tận dụng được các ưu đãi thuế quan. Chẳng hạn, ngành điều Việt dù luôn đứng ở vị trí là nhà xuất khẩu nhân điều số 1 thế giới, nhưng vẫn chưa được ưu đãi khi xuất khẩu sang thị trường EU. Tương tự là ngành mía đường.
Có nhiều nguyên nhân để sản phẩm không vào được các thị trường khó tính, nhưng chủ yếu do hàng Việt chưa vượt qua được rào cản kỹ thuật do các nước nhập khẩu đặt ra… Ở chiều ngược lại, FTA đã tạo nhiều thách thức cho DN Việt ngay trên sân nhà. Hàng hóa từ các nước này tận dụng lợi thế của các FTA đã được nhập khẩu vào Việt Nam với giá thành rẻ hơn nhiều…
Để vượt qua thách thức, đưa sản phẩm Việt vào được những thị trường khó tính, cũng như vững chân ở thị trường nội, tự thân DN phải nỗ lực hơn nữa. Cùng với các cơ quan chức năng, các DN phải xây dựng được thương hiệu sản phẩm cho mình để rồi từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là nông sản có thương hiệu trên thị trường thế giới.