Nắm bắt cơ hội phát triển du lịch âm nhạc

Hai đêm diễn với lượng khán giả gần 70.000 người của Blackpink diễn ra ngày 29 và 30-7 tại Hà Nội là một minh chứng rõ ràng cho thấy, nếu được tổ chức bài bản, âm nhạc không chỉ tạo ra động lực lớn với du lịch mà còn là một lĩnh vực “hái ra tiền”.

Mặc dù cách thức tổ chức đêm nhạc của Blackpink tại Việt Nam có khá nhiều “lùm xùm”, song, chỉ trước giờ diễn vài tiếng, đêm diễn đã được “hâm nóng” lại. Thay vì cảnh bán tháo thường thấy ở các show ca nhạc hay ở các trận bóng đá lớn, vé xem đêm nhạc của Blackpink được đẩy lên rất nhanh. Sức nóng không chỉ những người có mặt trong sân vận động quốc gia Mỹ Đình cảm nhận được mà còn bùng nổ trên các trang mạng xã hội. Bất thường hơn nữa là vé “chợ đen” của buổi diễn thứ 2 được đẩy lên cao hơn cả buổi đầu tiên.

Sức nóng của chương trình đã lan sang cả khu vực nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí, mua sắm, hàng không... Những chuyến bay đặc biệt từ TPHCM với 2 màu sắc nổi bật đen - hồng. Khách sạn xung quanh sân vận động quốc gia Mỹ Đình kín phòng 2 đêm diễn ra chương trình âm nhạc. Từ trưa 29-7, các hàng quán lớn tại khu vực này cũng trong tình trạng quá tải và dư địa thuộc về lực lượng bán hàng rong khi ly trà đá được bán đồng hạng 10.000 đồng, áo mưa giấy 50.000 đồng/chiếc. Các loại stick, băng rôn được cho là chính hãng thì giá bán được “hét” lên tới tiền triệu. Trước đó, khi hệ thống bán vé chính thức của Blackpink được mở bán tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, nhiều thống kê chỉ ra hiệu ứng mạnh mẽ của Blackpink với ngành du lịch Hà Nội. Trong 2 ngày 7 và 8-7, dữ liệu của nền tảng đặt phòng trực tuyến Agoda cho thấy lượt tìm kiếm về chỗ ở tại Hà Nội từ nước ngoài đã tăng 7 lần so với thời điểm 1 tháng trước. Ở trong nước, lượng tìm kiếm về điểm lưu trú của Hà Nội cũng cao gấp 14 lần từ khi chính thức bán vé.

Sự thành công của Blackpink và tour diễn Born Pink khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về việc tập trung đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa, đi theo đúng xu hướng phát triển quốc tế, để không chỉ tạo tác động lan tỏa sang các lĩnh vực kinh tế - xã hội mà còn tạo dựng uy tín, thương hiệu và sức mạnh mềm Việt Nam trên trường quốc tế. Chia sẻ về tiềm năng của âm nhạc, nhạc sĩ Quốc Trung - người được biết đến với vai trò giám đốc của nhiều lễ hội âm nhạc lớn cho rằng, không đơn thuần là quảng bá, hay góp phần xây dựng môi trường thưởng thức nghệ thuật văn minh mà âm nhạc còn là động lực phát triển kinh tế. Và, đương nhiên, để có thể phát huy sức mạnh công nghiệp văn hóa thì không chỉ đầu tư nội lực mà cần phải có chiến lược với tầm nhìn và mục tiêu dài hạn.

Khi đã tạo dựng được giá trị thương hiệu cho sự kiện, các lễ hội âm nhạc sẽ không chỉ là sân chơi cho những người làm nghề, tạo cơ hội thưởng thức nghệ thuật cho người dân tại thành phố mà còn mang lại nhiều giá trị về du lịch, kinh tế… Qua những show diễn lớn như Blackpink và trước đó là Charlie Puth, Backstreet Boys…, Việt Nam có thể kỳ vọng là điểm đến không thể bỏ qua cho các tín đồ âm nhạc.

Tin cùng chuyên mục