Hôm nay 15-3, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”. Đây là dấu mốc quan trọng của toàn ngành du lịch Việt Nam để cùng nhìn lại những nỗ lực phục hồi sau thời gian dài “ngủ đông” do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, đồng thời đây cũng chính là diễn đàn nhằm tìm giải pháp cụ thể để thúc đẩy du lịch phát triển.
Năm 2022, xét về số lượng, du khách nội địa đã đạt 101,3 triệu lượt (năm 2019 là thời kỳ đỉnh cao, chúng ta phục vụ 85 triệu lượt khách). Dù thành công ở thị trường nội địa nhưng khách quốc tế chưa đạt được như kỳ vọng. Việt Nam được cho là một trong những nước mở cửa sớm, song tiếc là lượng khách quốc tế đến chưa được như kỳ vọng, thậm chí du lịch quốc tế còn nằm trong nhóm quốc gia phục hồi chậm.
Đầu tháng 3 vừa qua, Bộ VH-TT-DL đã ban hành Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030. Chiến lược đưa ra mục tiêu năm 2025, du lịch phục hồi và phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 160 triệu lượt khách nội địa. Chiến lược được nhận định là khá rõ ràng với những con số mục tiêu hứng khởi, nhưng để có thể triển khai hiệu quả không chỉ dừng lại với vai trò định hướng của cơ quan quản lý du lịch quốc gia (Tổng cục Du lịch) hay Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch…
Thực tế cho thấy, công thức quảng bá theo kiểu dàn trải, điểm danh thật đầy đủ từ Văn Miếu, chợ Bến Thành, Vịnh Hạ Long… đã không còn phù hợp, mà cần phải tập trung nghiên cứu xu hướng để đưa ra các sản phẩm chuyên sâu, linh hoạt theo đúng nhu cầu của thị trường. Mà để làm được điều đó, cần có những khảo sát, tìm hiểu, phân tích mang tính quy mô, đồng bộ, chuyên nghiệp với sự tham gia của nhiều địa phương, doanh nghiệp để có thể đưa ra những nhận định chính xác về xu hướng, giúp du khách dễ tiếp cận và hiểu về các sản phẩm dịch vụ du lịch của Việt Nam tại từng thời điểm. Điều này đòi hỏi sự tập trung các nguồn lực, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và sự chung tay xây dựng hình ảnh du lịch của chính người dân tại mỗi điểm đến.
Một năm sau thời điểm Việt Nam chính thức mở cửa, ngày 15-3 năm nay cũng là dấu mốc quan trọng đối với người làm du lịch, bởi đây là thời điểm Trung Quốc chính thức cho phép các công ty lữ hành tổ chức tour du lịch theo đoàn và các dịch vụ “vé máy bay + khách sạn” cho công dân Trung Quốc tới 40 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việc nối lại hoạt động đón khách du lịch Trung Quốc, thị trường nguồn quan trọng của du lịch sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch bệnh, mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức mới đối với ngành du lịch.
Với gần 155 triệu lượt khách đi du lịch nước ngoài năm 2019, mức chi tiêu 255 tỷ USD, Trung Quốc là một trong những thị trường nguồn khách quốc tế lớn và quan trọng bậc nhất thế giới. Bởi thế không chỉ cơ quan quản lý mà các doanh nghiệp, địa phương… cần nhanh chóng có kế hoạch chiến lược mang tính tổng thể để có thể khai thác nguồn du khách này nhằm bù đắp thiếu hụt của khách quốc tế sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Sẽ là trễ nhịp nếu như ngay lúc này, các bộ, ngành không tìm được tiếng nói chung giải bài toán cần làm gì, thay đổi như thế nào để du lịch không tiếp tục rơi vào tình thế “đi trước - về sau”.