Cơn địa chấn
Nhận định trên được đưa ra dựa vào việc nhiều ngân hàng trung ương từ Á sang Âu đang lên kế hoạch thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số. Theo dự kiến, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ thực hiện một loạt thử nghiệm với đồng EUR kỹ thuật số vào khoảng giữa năm 2021. Chủ tịch ECB Christine Lagarde từng phát biểu rằng châu Âu cần chuẩn bị sẵn sàng để phát hành đồng EUR kỹ thuật số nếu có nhu cầu phát sinh.
Tại châu Á, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) nhiều khả năng thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số vào đầu năm tài khóa 2021. Theo đó, BOJ dự định thiết lập một hệ thống trên Internet để thử nghiệm các chức năng cơ bản của đồng tiền này, trong đó có việc phát hành và lưu hành. Quá trình thử nghiệm được tiến hành theo 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn cuối cùng có sự tham gia của các cơ sở kinh doanh tư nhân và người tiêu dùng nhằm kiểm tra tính khả thi và độ an toàn của đồng tiền kỹ thuật số này với tư cách là một phương tiện thanh toán song song với tiền mặt.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) dự định xây dựng và thử nghiệm một hệ thống thí điểm đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng này phát hành kéo dài trong cả năm 2021. BOK cho rằng, những đột phá công nghệ trong lĩnh vực dịch vụ thanh toán đang diễn ra rất nhanh, BOK muốn thiết lập một hệ thống đồng tiền kỹ thuật số thí điểm để có những bước chuẩn bị cho mọi tình huống thay đổi trong môi trường này. Tuy nhiên, “cơn địa chấn” dẫn đến cuộc cách mạng tiền kỹ thuật số toàn cầu sẽ thực sự xuất hiện nếu như đồng Libra/Diem ra mắt trong tháng 1 năm nay như tuyên bố của Facebook.
Giới quan sát nhận định, trong bối cảnh người tiêu dùng đang ngày càng hướng đến việc thanh toán không dùng tiền mặt và dưới tác động của đại dịch Covid-19, các ngân hàng trung ương phải nghiêm túc chuẩn bị để sẵn sàng cho việc phát hành đồng tiền số nếu không muốn bị tụt hậu so với các đồng tiền số do tư nhân phát hành như Bitcoin hay Libra/Diem.
Nguy cơ bất ổn tài chính
Một đồng tiền kỹ thuật số sẽ cho phép các cá nhân cũng như các công ty gửi tiền trực tiếp vào một ngân hàng trung ương, có khả năng an toàn hơn so với các ngân hàng thương mại vốn có thể bị phá sản hoặc tiền mặt bị đánh cắp. Những người ủng hộ đồng tiền kỹ thuật số còn cho rằng chúng cho phép thanh toán nhanh hơn và rẻ hơn, nhất là có khả năng được thanh toán xuyên biên giới do sự tối giản về mặt nhân sự, quản lý và tránh các chi phí phát sinh không cần thiết như việc giao dịch truyền thống qua ngân hàng.
Tuy nhiên, không ít quan ngại nảy sinh xung quanh đồng tiền này. Ông Fabio Panetta, thành viên ban điều hành ECB, từng tuyên bố rằng, các “đại gia” công nghệ như Facebook có thể tạo ra những nguy cơ đáng kể đối với triển vọng kinh tế - xã hội và có thể hạn chế, thay vì mở rộng, lựa chọn của khách hàng. Khi đưa ra các giải pháp mà họ cho là thuận tiện và hiệu quả, các công ty này có thể gây tổn hại đối với cạnh tranh, sự riêng tư, ổn định tài chính và thậm chí là chủ quyền tiền tệ của các quốc gia.
Trước những nỗi lo trên, tháng 9-2020, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố kế hoạch kiểm soát tiền kỹ thuật số, đưa ra các quy định có thể hạn chế sự phát triển của Libra/Diem và các đồng tiền tương tự. Đến tháng 12 cùng năm, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng ra tuyên bố bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ việc kiểm soát các đồng tiền kỹ thuật số. Nhóm này cho rằng việc thanh toán tiền kỹ thuật số có thể cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính và cắt giảm chi phí nhưng cần được giám sát và quản lý một cách phù hợp để có thể giải quyết những thách thức và nguy cơ liên quan tới bất ổn tài chính.