Tại hội thảo, TS Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT) đưa ra 3 kịch bản thu nhập bình quân vào năm 2030 và năm 2050.
Theo ông Trần Hồng Quang, năm 2030, dân số nước ta khoảng 105 triệu người, đến năm 2050 tăng lên 115 triệu người. Ở phương án 1, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của nền kinh tế khoảng 6,34%/năm trong giai đoạn 2021-2030, GDP bình quân đầu người của nước ta đạt khoảng 7.000 USD vào năm 2030. Nếu nền kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng GDP bình quân 6,63%/năm trong giai đoạn 2031-2050, GDP bình quân đầu người năm 2050 sẽ đạt 25.000 USD/năm.
Phương án 2, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,05%/năm trong giai đoạn 2021-2030, GDP bình quân đầu người sẽ đạt 7.500 USD vào năm 2030. Trong giai đoạn 2031-2050, nếu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân nền kinh tế đạt 7,3%/năm, GDP bình quân đầu người năm 2050 sẽ đạt 32.000 USD.
Trong giai đoạn 2031-2050, nếu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của nền kinh tế chỉ đạt 6,7% thì GDP bình quân đầu người của cả nước vào năm 2050 sẽ đạt 27.000 USD.
Cũng theo dự thảo quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trong giai đoạn từ nay đến 2030, nước ta sẽ phát triển các hành lang kinh tế Bắc - Nam gắn với cao tốc Bắc - Nam và quốc lộ 1A, hành lang kinh tế Đông - Tây.
Đồng thời hình thành các vùng động lực ưu tiên của quốc gia như tam giác động lực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; khu vực ven biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tứ giác động lực TPHCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu, tam giác Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang.
Bản quy hoạch tổng thể quốc gia do Bộ KH-ĐT xây dựng cũng đưa ra lấy ý kiến về 4 phương án phân vùng và liên kết vùng. Đó là giữ nguyên việc phân chia cả nước thành 6 vùng kinh tế - xã hội như hiện nay, 3 phương án còn lại là phân chia cả nước thành 7 vùng kinh tế - xã hội theo hướng tách vùng Trung du miền núi phía Bắc hiện nay thành 2 vùng Đông Bắc và Tây Bắc; 2 phương án còn lại tách vùng Nam Trung bộ thành 2 vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ.
Bình luận về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia của Việt Nam, TS. Danny Leipziger (WB) cho biết, quy hoạch đã thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến môi trường, biến đổi khí hậu và hành lang kinh tế. Việc điều chỉnh quy hoạch giữa kỳ cũng được nhắc đến. Một số vùng kinh tế, với các dự án quy mô lớn cần được lựa chọn kỹ, đánh giá lại chất lượng đầu tư hiện tại trước khi tính tới dự án đầu tư mới.
Vẫn theo TS. Danny Leipziger, Việt Nam nên coi bản quy hoạch là tài liệu sống, cần liên tục cập nhật, điều chỉnh hàng năm.
“Cách tiếp cận cơ bản theo hành lang hay tái cơ cấu lại các vùng động lực kinh tế, để phù hợp với kỳ vọng cho Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh để thu hút đầu tư phải có ngành nghề mới, gắn với tập trung dân cư bằng việc phát triển các đo thị thông minh, có được các đại đô thị. Chúng ta cần phải trao đổi khả năng đánh đổi du lịch sinh thái và các ngành, lĩnh vực khác. Khi ta đề cập đến phát triển biển thì phải có đánh đổi, cân nhắc các yếu tố về môi trường”, TS. Danny Leipziger nhấn mạnh.