Năm 2025, nhu cầu vốn cho các lĩnh vực văn hóa, thể thao tăng nhiều lần so với năm 2024

Ngày 4-10, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục làm việc với Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước về tình hình thực hiện phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, dự toán NSNN năm 2025 trong các lĩnh vực mà Ủy ban phụ trách.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương báo cáo tại buổi làm việc
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương báo cáo tại buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, nhu cầu kế hoạch vốn đầu tư năm 2025 cho lĩnh vực văn hóa tăng hơn 4,2 lần so với kế hoạch năm 2024 để thực hiện đầu tư tăng cường cơ sở vật chất cho các ngành công nghiệp văn hóa; đầu tư hoàn thiện các công trình văn hóa quan trọng; đầu tư tu bổ các di sản văn hóa và hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở tại địa phương phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hưởng thụ văn hóa của người dân.

Nhu cầu kế hoạch vốn đầu tư cho lĩnh vực thể dục, thể thao cũng tăng hơn 3,7 lần so với kế hoạch năm 2024; trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp tăng hơn 2,58 lần so với kế hoạch năm 2024; trong lĩnh vực phát thanh truyền hình thông tấn tăng hơn 1,96 lần so với kế hoạch năm 2024…

hung-4-8834.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng

Dự họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng nhận định, công tác phân bổ, quản lý và sử dụng NSNN năm 2024 đối với các lĩnh vực văn hóa thông tin, thể dục thể thao, du lịch, phát thanh, truyền hình, thông tấn thực hiện theo đúng quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn Luật; việc điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ theo đúng dự toán được giao.

“Nhu cầu nguồn lực dành cho các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch là rất lớn để xúc tiến, triển khai được các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra. Tuy vậy, trong điều kiện nguồn NSNN khó khăn, cần đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia hỗ trợ phát triển các lĩnh vực”, ông Võ Thành Hưng nêu rõ.

Ghi nhận nhiều kết quả đạt được, song Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cho rằng, báo cáo của Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính chưa thể hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; và những giải pháp quyết liệt của hai bộ nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế chỉ ra trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch năm 2023 và những năm trước, để kịp thời phát hiện, xử lý, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch NSNN những tháng đầu năm 2024.

Trong giai đoạn tới, Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục đề nghị hai bộ quan tâm hơn đến công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý kịp thời, tháo gỡ khó khăn vướng mắc chưa được quan tâm; đồng thời tham mưu với Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ưu tiên tập trung nguồn lực để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2025-2035 (khi được Quốc hội thông qua); chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (khi được phê duyệt); đồng thời đảm bảo đủ NSNN chi cho giáo dục - đào tạo theo yêu cầu Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra.

văn hoá 4.jpg
Quang cảnh phiên làm việc

Một vấn đề khác được cơ quan của Quốc hội lưu ý là việc xem xét, quy định giảm mức thuế suất đối với các cơ quan báo chí, xuất bản khi xây dựng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); có chính sách thúc đẩy kinh tế báo chí, trong đó có một số nhóm chính sách thành phần: thành lập tập đoàn báo chí; tạo điều kiện trong liên kết hoạt động báo chí; sửa đổi quy định về nguồn thu của báo chí… tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển.

Tin cùng chuyên mục