Năm 2025, ngành du lịch phấn đấu đón và phục vụ 22-23 triệu lượt khách quốc tế

Ngày 18-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề "Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam".

Thủ tướng dự hội nghị toàn quốc tổng kết năm 2024 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch
Thủ tướng dự hội nghị toàn quốc tổng kết năm 2024 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại trụ sở Chính phủ tới trụ sở Bộ VH-TT-DL, cùng 772 điểm cầu tại UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND cấp huyện.

Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

2.jpg
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng trình bày báo cáo

Theo báo cáo của Bộ VH-TT-DL, năm 2024, các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đạt kết quả rõ nét hơn về cả nhận thức, hành động và kết quả.

Sự chuyển biến trong nhận thức, tư duy từ "làm văn hóa" sang "quản lý nhà nước về văn hóa" ngày càng được nâng cao và hoàn thiện, tiếp cận theo hướng chiều sâu. Bộ đã tập trung rà soát, đẩy mạnh việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật chuyên ngành với 20 văn bản quy phạm pháp luật, góp phần tháo gỡ "điểm nghẽn", "nút thắt" bước đầu kiến tạo không gian phát triển.

Năm 2024, đánh dấu sự chuyển biến về công nghiệp văn hóa từ chính sách đến thực tiễn. Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước; các cơ chế chính sách liên quan đến thúc đẩy sáng tạo tiếp tục được hoàn thiện; công tác tổ chức thi hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan có tiến bộ.

Thể thao Việt Nam tham dự các đại hội thể thao quốc tế để lại nhiều dấu ấn tích cực, đã giành được tổng số 1.214 huy chương quốc tế.

Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người văn hóa đã đi đúng hướng, lấy địa bàn cơ sở làm trọng tâm, nhân dân là chủ thể để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đã được triển khai bài bản, từ làm điểm đến nhân rộng. Tính đến thời điểm hiện nay, 50/63 tỉnh, thành đã xây dựng, phát triển được nhiều mô hình nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Các nội hàm về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, các phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam được thực hành và triển khai rộng khắp.

1.jpg
Toàn cảnh hội nghị

Năm 2024, toàn ngành tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 82/NQ-CP và Chỉ thị số 08/CT-Tg của Thủ tướng Chính phủ. Du lịch đã phục hồi tích cực sau đại dịch và được Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước. Ngoài 5 nhóm sản phẩm du lịch có thương hiệu, nhiều sản phẩm du lịch mới đã được phát triển, đưa vào phục vụ du khách như chuyến tàu di sản Huế - Đà Nẵng; Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội… Việt Nam đăng cai tổ chức hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất.

Năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 17,5 triệu lượt, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840.000 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” và lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh là “Điểm đến hàng đầu châu Á”.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Bộ trưởng cho biết, sẽ tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, ổn định hoạt động của Bộ VH-TT-DL sau khi phương án sắp xếp được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm các cơ quan, đơn vị, tổ chức sau sắp xếp hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả ngay, không làm gián đoạn công việc và các hoạt động bình thường khác. Cùng với đó, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo khả thi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; kiên trì kiến tạo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, là tiền đề vững chắc để xây dựng con người Việt Nam thấm nhuần tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”.

Ngành cũng sẽ triển khai chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, đặt trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa, phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam có tiềm năng, có dư địa phát triển; khuyến khích sự sáng tạo trong văn hóa, văn học nghệ thuật gắn với đặc trưng của Việt Nam và thời đại. Trong phát triển công nghiệp văn hóa, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo chính sách, doanh nghiệp giữ vai trò triển khai thực hiện, đội ngũ sáng tạo giữ vai trò thiết kế sản phẩm, nội dung.

Song song đó, sẽ tập trung chuẩn bị lực lượng cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 33 (SEA Games 33) tại Thái Lan, Đại hội Thể thao trẻ châu Á lần thứ 4 tại Bahrain, Đại hội Thể thao thế giới tại Trung Quốc và các sự kiện thể thao quốc tế năm 2025.

Bộ cũng triển khai Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng, thực hiện các chương trình, chiến dịch truyền thông, quảng bá du lịch tại các thị trường nguồn trọng điểm của du lịch Việt Nam.

Bộ phấn đấu năm 2025, ngành du lịch đón và phục vụ 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 120 -130 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch ước đạt 980.000 - 1,050 triệu tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục