Năm 2024, thu hơn 393 tỷ đồng tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc

Ngày 17-1, tại Trung tâm hội nghị số 272 Võ Thị Sáu (quận 3, TPHCM), Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã tổ chức lễ tổng kết hoạt động năm 2024.

Tại lễ tổng kết, nhạc sĩ - NSƯT Đinh Trung Cẩn, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Tổng Giám đốc VCPMC, kiêm Giám đốc Chi nhánh phía Nam đã thông tin đến các đại biểu và các nhạc sĩ là hội viên VCPMC về kết quả mà trung tâm đã làm được trong năm 2024.

123454.JPG
Nhạc sĩ - NSƯT Đinh Trung Cẩn thông tin về hoạt động của VCPMC trong năm 2024. Ảnh: THÚY BÌNH

Trong năm 2024, số lượng tác giả hội viên đã tăng thêm 729 tác giả, nâng số lượng tác giả ủy quyền tại VCPMC lên 6.511 tác giả.

Với vấn đề cấp phép, thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc, trong năm 2024, trung tâm đã cấp phép theo 3 nhóm quyền chính: Nhóm quyền sao chép, truyền đạt; Nhóm quyền biểu diễn; Nhóm quyền phát sóng.

Trong lĩnh vực kỹ thuật số, media, từ thị hiếu công chúng, thói quen người nghe nhạc, nguồn thu từ nhóm quyền này chiếm tỷ trọng cao, tuy nhiên vẫn tồn đọng khá nhiều trường hợp xâm phạm quyền tác giả, lợi dụng cơ chế, công cụ của nền tảng để né tránh trả tiền bản quyền đồng thời thu lợi bất chính. Do đó, thời gian qua, VCPMC đã tiến hành nhiều biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của tác giả thành viên, bao gồm cả các biện pháp công nghệ và khởi kiện dân sự.

123432.JPG
Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng bằng khen tập thể cho Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam vì đạt thành tích xuất sắc trong công tác Hội. Ảnh: THÚY BÌNH

Ở lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật: thị trường biểu diễn nghệ thuật trong nước khá sôi động với sự xuất hiện của các show diễn quốc tế dù quy mô chưa lớn, nhưng số tiền bản quyền thu về lại giảm so với năm 2023. Lý do là nhiều show diễn đã cố ý né tránh trả tiền bản quyền, hiện VCPMC đã tiến hành khởi kiện các đơn vị vi phạm ra Tòa án có thẩm quyền.

Trong lĩnh vực phát sóng, phát thanh - truyền hình: VCPMC và các đài, đơn vị truyền hình tiếp tục đàm phán, thỏa thuận về việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng âm nhạc theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2022) và Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26-4/-2023 của Chính phủ.

Trong xử lý xâm phạm quyền tác giả, đến nay, bộ phận pháp chế của VCPMC đã thực hiện 79 vụ kiện xâm phạm quyền tác giả, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, tranh chấp hợp đồng; hiện đã giải quyết xong 34 vụ, còn lại đang trong quá trình giải quyết; ngoài ra còn nhiều vụ việc và hàng trăm link trực tuyến (sao chép tác phẩm) hiện đang thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý vi phạm. Thường xuyên phối hợp với tác giả rà soát, cảnh báo để thu, truy thu các trường hợp link/kênh vi phạm trên môi trường trực tuyến.

1231.JPG
Nhạc sĩ – NSƯT Đinh Trung Cẩn tặng quà cho các nhạc sĩ lão thành. Ảnh: THÚY BÌNH

Đối với các trường hợp một số Đài PTTH có vi phạm bản quyền, VCPMC sẽ nỗ lực phối hợp để giải quyết tiếp trong Quý 1-2025. Riêng trường hợp vụ kiện với Đài PTTH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện hồ sơ khởi kiện hành vi xâm phạm đã được Tòa án thụ lý để giải quyết. Bên cạnh đó, các hồ sơ khởi kiện liên quan đến các đơn vị truyền hình trả tiền như Truyền hình kỹ thuật số K+, Truyền hình cáp SCTV… đang được củng cố tài liệu, chứng cứ, cảnh báo vi phạm hoặc đã hoàn chỉnh hồ sơ, khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền.

Về thu tiền sử dụng quyền tác giả, trong năm 2024 (tính từ ngày 1-1-2024 đến ngày 31-12-2024), tổng số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc mà VCPMC đã thu (chưa VAT) là : 393.063.879.166 đồng, tăng 14,2% so với năm 2023.

Tin cùng chuyên mục