Ngày 5-1, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, năm 2023, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và cấp ủy các cấp trong Đảng bộ TP Hà Nội tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Trọng tâm kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các chương trình công tác toàn khoá; việc thực hiện các kết luận kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; công tác cán bộ; chú trọng kiểm tra, giám sát tổ chức đảng gắn với trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.
Ủy ban kiểm tra Thành ủy và ủy ban kiểm tra các cấp chủ động triển khai thực hiện toàn diện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng. Việc kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy triển khai 2 cuộc kiểm tra (đối với 62 tổ chức đảng, 10 đảng viên) theo kế hoạch năm 2023 và 2 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm (đối với 4 tổ chức đảng). Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 145 tổ chức đảng và 360 đảng viên. Đã kiểm tra xong và kết luận 78 tổ chức đảng và 264 đảng viên có vi phạm; phải thi hành kỷ luật 15 tổ chức đảng và 138 đảng viên.
Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra 1.719 tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Đối với việc giám sát tổ chức đảng, đảng viên, riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, cấp ủy, Ủy ban kiểm tra cấp ủy của 7 địa phương có Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua đã tăng cường giám sát thường xuyên, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn ngừa vi phạm.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ rõ, trong năm 2024, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cần tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu, tổ chức thực hiện các kết luận của các đoàn kiểm tra của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp, đặc biệt là các kết luận sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Đồng thời, tiếp tục tập trung kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các lĩnh vực, khu vực dễ xảy ra tiêu cực, sai sót, như: quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công, quy hoạch quản lý đất đai, trật tự xây dựng, công tác cán bộ... Bên cạnh đó, cần tăng cường nâng cao chất lượng công tác giám sát, coi đây là việc thường xuyên, có tính phòng ngừa để kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn những hành vi, nội dung chưa đúng.