Năm 2024: Tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,8%-7%

Theo Bộ KH-ĐT, tăng trưởng GDP cả năm dự kiến đạt 6,8%-7%. Chỉ tiêu quan trọng duy nhất dự báo không đạt mục tiêu đề ra là chỉ tiêu GDP bình quân đầu người (dự kiến 4.647 USD, mục tiêu đề ra là 4.700-4.730 USD).

Bộ KH-ĐT đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng và lạm phát. Ảnh minh họa
Bộ KH-ĐT đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng và lạm phát. Ảnh minh họa

Theo dự thảo báo cáo của Bộ KH-ĐT chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội, bất chấp những khó khăn, thách thức rất lớn, dự báo kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2024 vẫn có thể đạt được 14/15 chỉ tiêu pháp lệnh.

Trong đó, tăng trưởng GDP cả năm dự kiến đạt 6,8%-7%. Chỉ tiêu quan trọng duy nhất dự báo không đạt mục tiêu đề ra là chỉ tiêu GDP bình quân đầu người (dự kiến 4.647 USD, mục tiêu đề ra là 4.700-4.730 USD). Điều này có nguyên nhân chủ yếu do biến động tỷ giá. Cụ thể là đồng tiền của nhiều nước, trong đó có Việt Nam bị mất giá mạnh so với USD từ đầu năm đến nay. Trường hợp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất, tỷ giá trong nước ổn định và giảm dần, tăng trưởng kinh tế đạt mức 7% thì đến cuối năm chỉ tiêu này có thể đạt.

Những phác thảo cho bức tranh kinh tế - xã hội năm 2025 cũng dần rõ nét. Tham mưu cho Chính phủ, Bộ KH-ĐT đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng và lạm phát.

Ở kịch bản 1, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 6,5%-7%, lạm phát khoảng 4%-4,5%. Dự báo này được đưa ra dựa trên cơ sở tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn ở mức thấp; môi trường vĩ mô toàn cầu đối mặt với nhiều rủi ro. Với kịch bản này, nếu tăng trưởng GDP của năm 2025 - năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 ở mức 6,5%-7% thì bình quân 5 năm, tăng trưởng GDP sẽ ở mức 5,8%-6%.

Ở kịch bản 2, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 7%-7,5%, lạm phát khoảng 4,5%. Đây là mức tăng trưởng khá cao và chỉ có thể đạt được với dự kiến tình hình thế giới, các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam chuyển biến tích cực hơn so với dự báo; sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Tăng trưởng GDP bình quân 5 năm sẽ đạt khoảng 5,9%-6,1%.

Tuy nhiên, Ban Cán sự Đảng Bộ KH-ĐT kiến nghị lựa chọn mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,5%-7%, lạm phát bình quân khoảng 4-4,5% trong năm 2025.

Để đạt mục tiêu đã nêu, 12 nhóm chính sách đã được Bộ KH-ĐT đề xuất, trong đó có ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài, các nguồn lực xã hội; nâng cao vai trò và phát huy hiệu quả hơn nữa nguồn lực của các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp nhà nước... Thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp tiên phong như bán dẫn, AI… cũng được cho là một đòn bẩy tăng trưởng quan trọng.

Cũng theo Bộ KH-ĐT, trong kỳ kế hoạch 5 năm này, kinh tế Việt Nam phải gánh chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, sau đó là biến động địa chính trị toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng, thiên tai, bão lũ... Tăng trưởng GDP của 3 năm 2021-2023 lần lượt đạt mức 2,58%, 8,12% và 5,05%. Năm 2024, dự kiến tăng trưởng kinh tế đạt 6,8%-7%, phấn đấu đạt cao hơn. Năm 2025, mục tiêu dự kiến đặt ra là 6,5%-7%. Với các kết quả này, mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5%-7% của kế hoạch 5 năm khó có thể đạt được. Nhưng điều quan trọng nhất là Chính phủ, doanh nghiệp và mỗi người dân đều đồng lòng tìm ra những giải pháp và nỗ lực thực thi giải pháp để đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể.

Tin cùng chuyên mục