Năm 2024: Mặt trận thực hiện giám sát, phản biện xã hội nhiều nội dung

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa lấy ý kiến dự thảo kế hoạch giám sát, phản biện xã hội năm 2024. Trong năm 2024, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tập trung giám sát, phản biện nhiều nội dung.
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lấy ý kiến vào dự thảo kế hoạch giám sát, phản biện xã hội năm 2024.
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lấy ý kiến vào dự thảo kế hoạch giám sát, phản biện xã hội năm 2024.

Theo đó, trong năm 2024, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tập trung giám sát 4 nội dung gồm: giám sát trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cử tri và nhân dân; việc thực hiện tập trung phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số theo kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 30-10-2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong thời kỳ mới; một số vụ việc khiếu nại, tố cáo khi có yêu cầu thực tế; về Luật tiếp cận thông tin.

Đối với hoạt động giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, trong năm 2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ triển khai giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội trên địa bàn một số tỉnh, thành phố; việc thực hiện đóng kinh phí công đoàn của các doanh nghiệp theo quy định của Luật Công đoàn; việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, chính sách lao động nữ, công tác cán bộ nữ, công tác chăm lo cho trẻ em là con công nhân, viên chức, lao động.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tập trung giám sát việc quản lý và sử dụng đất nông nghiệp; giám sát thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp. Trung ương Đoàn giám sát việc thực hiện Luật Thanh niên và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giám sát việc bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm quy hoạch cán bộ để đảm bảo phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp, tỉ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20 - 25%; Giám sát thực hiện Luật Bình đẳng giới. Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam giám sát việc thực hiện Pháp lệnh Cựu chiến binh.

Cùng với những nội dung giám sát trong kế hoạch, trong trường hợp cần thiết, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội có thể thực hiện giám sát đối với một số lĩnh vực khác khi phát sinh vấn đề nổi cộm, được dư luận quan tâm, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đoàn viên, hội viên.

Về hoạt động phản biện xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, trong năm 2024, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ chủ trì phản biện xã hội đối với dự thảo Luật quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Về phía các tổ chức chính trị - xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì phản biện xã hội dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi); Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phản biện xã hội dự thảo Luật Luật quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chủ trì phản biện xã hội dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và dự án Luật Việc làm (sửa đổi); Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam chủ trì phản biện xã hội dự thảo Luật Phòng không nhân dân; Trung ương Đoàn phản biện xã hội dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên và dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị, trong quá trình triển khai giám sát, phản biện xã hội cần tăng cường sự phối hợp của mặt trận và các tổ chức thành viên, tạo cơ chế huy động sự tham gia của thành viên các hội đồng tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội.

Tin cùng chuyên mục