Sự kiện được tổ chức vào sáng 15-2, tại TPHCM. Tham dự buổi tọa đàm có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Trần Thế Thuận cùng đại diện Lãnh sự quán các quốc gia Hungary, Indonesia, Belarus, Lào, Trung Quốc, Liên bang Nga…; Cục Hợp tác quốc tế, Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL), Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam; các tỉnh thành phố đã tham gia UCCN; các hội văn học nghệ thuật, các chuyên gia, nhà làm phim trong nước và quốc tế…
![Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: VĂN TUẤN thanh pho sang tao 7.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/chuabhu/2025_02_15/thanh-pho-sang-tao-7-7679-7802.jpg.webp)
Phát biểu đề dẫn buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết, nhằm chuẩn bị hồ sơ một cách hiệu quả nhất, TPHCM tổ chức buổi tọa đàm quốc tế để tham vấn ý kiến từ các chuyên gia, qua đó tiếp thu những ý kiến đóng góp hữu ích cho hồ sơ ứng cử của Thành phố. Tại tọa đàm, các bên cùng trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ chuyên môn, cũng như thảo luận về các giải pháp sáng tạo nhằm phát triển ngành công nghiệp điện ảnh - lĩnh vực được TPHCM lựa chọn để gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Báo cáo của Sở VH-TT TPHCM khẳng định TPHCM đặt văn hóa vào trọng tâm của sự phát triển, trong đó lĩnh vực điện ảnh có vai trò quan trọng.
![Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy phát biểu đề dẫn buổi tọa đàm. Ảnh: VĂN TUẤN thanh pho sang tao 4.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/chuabhu/2025_02_15/thanh-pho-sang-tao-4-9583-3109.jpg.webp)
Lĩnh vực điện ảnh tại TPHCM hiện có 935 doanh nghiệp đang hoạt động trong đó hơn 100 nhà sản xuất hoạt động thường xuyên, với 9.294 lao động, tạo ra doanh thu 500 triệu USD trong năm 2024 (chiếm khoảng 40% thị trường điện ảnh của Việt Nam), đóng góp 0,43% GRDP. Thành phố có 10 hệ thống rạp, 52 cụm rạp, 295 phòng chiếu và 184 không gian sáng tạo là nơi thực hành nghệ thuật chuyên nghiệp.
Tại tọa đàm, các ý kiến đã cùng nhau trao đổi, thảo luận xoay quanh một số nội dung, sáng kiến được thể hiện trong dự thảo hồ sơ, bao gồm ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế.
![TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VĂN TUẤN thanh pho sang tao 3.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/chuabhu/2025_02_15/thanh-pho-sang-tao-3-2264-9602.jpg.webp)
Ở cấp độ quốc gia, các sáng kiến nêu lên những việc cần làm nhằm đạt được các mục tiêu của mạng lưới theo cách bền vững bằng cách nâng cao vai trò của văn hóa và đa dạng sinh học trong phát triển bền vững, trong đó gồm 3 nội dung: kiến tạo điện ảnh trong học đường, dự án “Sắc màu cuộc sống qua điện ảnh” và xây dựng không gian sáng tạo điện ảnh.
Cụ thể, kiến tạo điện ảnh trong học đường là sáng kiến nhằm nâng cao cảm thụ nghệ thuật, thị hiếu và năng lực thẩm mỹ cho thế hệ trẻ. Phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng tài năng trẻ trong lĩnh vực điện ảnh, xây dựng thế hệ kế thừa (người làm nghệ thuật và khán giả).
Dự án “Sắc màu cuộc sống qua điện ảnh” nhằm truyền tải những câu chuyện đa chiều về cuộc sống, con người và văn hóa phong phú của TPHCM thông qua nghệ thuật điện ảnh, tạo sự bình đẳng trong tiếp cận nghệ thuật cho các tầng lớp cư dân, đặc biệt là các nhóm cộng đồng chưa mang tính đại diện, kết nối cộng đồng qua điện ảnh.
![Các đại biểu tham gia thảo luận tại buổi tọa đàm. Ảnh: VĂN TUẤN thanh pho sang tao 10.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/chuabhu/2025_02_15/thanh-pho-sang-tao-10-1276-4466.jpg.webp)
Trong khi đó, việc xây dựng Không gian sáng tạo điện ảnh sẽ được hiện thực hóa bằng việc xây dựng Công viên chuyên đề Điện ảnh tại Công viên bờ sông Sài Gòn, tạo không gian kết nối và sáng tạo; cải tạo và phát triển không gian sáng tạo văn học nghệ thuật tại số 25 Lê Quý Đôn, quận 3 (2.800m2).
Song song với đó, nhằm đạt được các mục tiêu của mạng lưới ở cấp độ quốc tế, các sáng kiến, chương trình, dự án sẽ có nhiều hoạt động nổi bật như xây dựng diễn đàn mạng lưới các thành phố điện ảnh châu Á nhằm tạo sân chơi giao lưu, trao đổi chuyên môn giữa các nhà làm phim, biên kịch, nhà sản xuất và chuyên gia điện ảnh Việt Nam với khu vực và châu Á.
![Ông Kim Dong Ho - Nhà sáng lập LHP quốc tế Busan chia sẻ kinh nghiệm thành công của Hàn Quốc với các nhà làm phim TPHCM. Ảnh: VĂN TUẤN thanh pho sang tao 9.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/chuabhu/2025_02_15/thanh-pho-sang-tao-9-2213-2160.jpg.webp)
Tổ chức liên hoan phim quốc tế thường niên hướng tới tổ chức theo tiêu chuẩn quốc tế và chuyên nghiệp; Tôn vinh các phim có giá trị độc đáo, sáng tạo và nhân văn; tìm kiếm đầu tư vào các dự án tài năng trẻ. Các hình thức hoạt động phong phú: Trình chiếu phim mới; tổ chức Chợ dự án và Vườn ươm Kịch bản Việt; Các lễ hội và giải thưởng,...
Hình thành đầu mối hỗ trợ phát triển điện ảnh nhấn mạnh đến việc kết nối với đầu mối tư vấn và hỗ trợ thủ tục hành chính cho nhà làm phim đến TPHCM. Xây dựng dữ liệu điện ảnh (phân tích thị hiếu, xu hướng và nhu cầu tiêu dùng) để hỗ trợ ngành.
![TPHCM đã tổ chức thành công LHP quốc tế lần đầu tiên năm 2024. Ảnh: HIFF thanh pho sang tao 11.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/chuabhu/2025_02_15/thanh-pho-sang-tao-11-391-9530.jpg.webp)
Theo kế hoạch, ngày 3-3, hồ sơ chính thức của TPHCM sẽ được nộp đến UNESCO. Nếu được phê duyệt, TPHCM sẽ là thành phố điện ảnh UCCN đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.